Bảy năm dạy đội tuyển học sinh giỏi Hóa học cho thành phố Hải Phòng, cô Trần Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Phú đã có 7 học sinh giành 8 huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế.
Để được vào đội tuyển dự thi Olympic Hóa học Quốc tế, học sinh phải đoạt giải quốc gia. Từ kết quả của giải quốc gia, Ban tổ chức chọn ra 26 học sinh có điểm cao nhất để ôn thi. 26 học sinh này lại tiếp tục thi một lần nữa để chọn ra bốn em xuất sắc nhất. Bốn học sinh này ngoài luyện kiến thức lý thuyết còn phải học thực hành chuẩn bị cho cuộc đọ sức với học sinh của các nước trên thế giới.
Với một cuộc thi khốc liệt như vậy, không chỉ học sinh, cô giáo mà cả bố mẹ các em đều phải chuẩn bị tinh thần. Trước khi học sinh chuẩn bị đi thi quốc tế, cô Trần Thị Thu Hằng phải giải thích cho bố mẹ rằng muốn vào được top 4, học sinh phải có kiến thức hóa học tương đương với sinh viên năm thứ 3-4 chuyên ngành hóa. Trong số 7 học trò đã đoạt giải, có tới 4 người do cô Hằng trực tiếp dìu dắt.
Kiến thức nhiều, thời gian ít nên cả cô và trò đều phải làm việc cật lực. Hàng ngày, từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm cả cô và trò đều phải giải quyết khối lượng bài tập đồ sộ. Cô nghiên cứu tất cả dạng đề và những phần kiến thức trọng tâm mà đề thi có thể sẽ đề cập tới. Học trò làm bài tập, nghiên cứu tài liệu, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi lại cô. Tận dụng thời gian triệt để, nhà riêng của cô trở thành lớp ôn tập. Học sinh nào nhà gần thì sau 10 giờ đêm sẽ về nhà mình, học sinh ở xa thì ở lại luôn nhà cô trong suốt thời gian ôn thi.
Cô Hằng cho biết những tháng ôn tập cuối cùng gần như là cuộc dốc sức trèo lên đỉnh dốc. Muốn đạt kết quả tốt thì cả cô và trò phải chuẩn bị ngay từ đầu cuộc hành trình. Theo cô, người thày giỏi nhất chính là người biết dạy học sinh tự học. Khi học sinh vào học lớp chuyên hóa của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Phú, cô yêu cầu học sinh tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Thời gian đầu, cô sẽ đưa ra câu hỏi, nêu tên tài liệu tham khảo, nêu chính xác trang cần đọc. Càng về sau yêu cầu càng khắt khe hơn.
Từ cách dạy các em tự đọc, cô đã nhận ra có những em chuẩn bị rất sơ sài nhưng có em chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận. Những em chuẩn bị cẩn thận là nhân tố của của đội tuyển sau này. Khi học sinh đã vào đội tuyển, đoạt giải quốc gia các em đã trở thành người biết tự học xuất sắc.
Từ năm 2006, cô Trần Thị Thu Hằng bắt đầu dạy học sinh thi Olympic Hóa học quốc tế. Ngay năm đầu tiên, học trò Trần Nam Trung đã giành Huy chương Bạc. Từ đó đến nay, năm nào cô Hằng cũng có học trò giành huy chương Hóa học quốc tế, trong đó năm 2007 có hai học sinh là Phan Trần Hồng Hà và Bùi Lê Linh đều giành huy chương bạc.
Học sinh xuất sắc nhất của cô là Phạm Đăng Huy - người giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học 2012 và Huy chương Bạc Olympic Hóa học 2011.
Có học trò giành huy chương quốc tế là niềm vui nhưng đó lại không phải là cái đích cả cô và trò cùng hướng tới. Với cô, những tấm huy chương và bằng khen chỉ là bước đệm để học trò của mình giành được những điều lớn lao hơn. Đấy là các em sẽ nhận được học bổng, được đến học ở những đất nước có điều kiện nghiên cứu về ngành này tốt hơn, sau này các em sẽ trở về và cống hiến tài năng, sức lực cho đất nước./.
Để được vào đội tuyển dự thi Olympic Hóa học Quốc tế, học sinh phải đoạt giải quốc gia. Từ kết quả của giải quốc gia, Ban tổ chức chọn ra 26 học sinh có điểm cao nhất để ôn thi. 26 học sinh này lại tiếp tục thi một lần nữa để chọn ra bốn em xuất sắc nhất. Bốn học sinh này ngoài luyện kiến thức lý thuyết còn phải học thực hành chuẩn bị cho cuộc đọ sức với học sinh của các nước trên thế giới.
Với một cuộc thi khốc liệt như vậy, không chỉ học sinh, cô giáo mà cả bố mẹ các em đều phải chuẩn bị tinh thần. Trước khi học sinh chuẩn bị đi thi quốc tế, cô Trần Thị Thu Hằng phải giải thích cho bố mẹ rằng muốn vào được top 4, học sinh phải có kiến thức hóa học tương đương với sinh viên năm thứ 3-4 chuyên ngành hóa. Trong số 7 học trò đã đoạt giải, có tới 4 người do cô Hằng trực tiếp dìu dắt.
Kiến thức nhiều, thời gian ít nên cả cô và trò đều phải làm việc cật lực. Hàng ngày, từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm cả cô và trò đều phải giải quyết khối lượng bài tập đồ sộ. Cô nghiên cứu tất cả dạng đề và những phần kiến thức trọng tâm mà đề thi có thể sẽ đề cập tới. Học trò làm bài tập, nghiên cứu tài liệu, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi lại cô. Tận dụng thời gian triệt để, nhà riêng của cô trở thành lớp ôn tập. Học sinh nào nhà gần thì sau 10 giờ đêm sẽ về nhà mình, học sinh ở xa thì ở lại luôn nhà cô trong suốt thời gian ôn thi.
Cô Hằng cho biết những tháng ôn tập cuối cùng gần như là cuộc dốc sức trèo lên đỉnh dốc. Muốn đạt kết quả tốt thì cả cô và trò phải chuẩn bị ngay từ đầu cuộc hành trình. Theo cô, người thày giỏi nhất chính là người biết dạy học sinh tự học. Khi học sinh vào học lớp chuyên hóa của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Phú, cô yêu cầu học sinh tự nghiên cứu tài liệu ở nhà. Thời gian đầu, cô sẽ đưa ra câu hỏi, nêu tên tài liệu tham khảo, nêu chính xác trang cần đọc. Càng về sau yêu cầu càng khắt khe hơn.
Từ cách dạy các em tự đọc, cô đã nhận ra có những em chuẩn bị rất sơ sài nhưng có em chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận. Những em chuẩn bị cẩn thận là nhân tố của của đội tuyển sau này. Khi học sinh đã vào đội tuyển, đoạt giải quốc gia các em đã trở thành người biết tự học xuất sắc.
Từ năm 2006, cô Trần Thị Thu Hằng bắt đầu dạy học sinh thi Olympic Hóa học quốc tế. Ngay năm đầu tiên, học trò Trần Nam Trung đã giành Huy chương Bạc. Từ đó đến nay, năm nào cô Hằng cũng có học trò giành huy chương Hóa học quốc tế, trong đó năm 2007 có hai học sinh là Phan Trần Hồng Hà và Bùi Lê Linh đều giành huy chương bạc.
Học sinh xuất sắc nhất của cô là Phạm Đăng Huy - người giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học 2012 và Huy chương Bạc Olympic Hóa học 2011.
Có học trò giành huy chương quốc tế là niềm vui nhưng đó lại không phải là cái đích cả cô và trò cùng hướng tới. Với cô, những tấm huy chương và bằng khen chỉ là bước đệm để học trò của mình giành được những điều lớn lao hơn. Đấy là các em sẽ nhận được học bổng, được đến học ở những đất nước có điều kiện nghiên cứu về ngành này tốt hơn, sau này các em sẽ trở về và cống hiến tài năng, sức lực cho đất nước./.
Minh Thu (Vietnam+)