Đằng sau động thái kiểm soát tiền điện tử của Trung Quốc

Giao dịch bằng tiền điện tử đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2019 nhưng hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra dưới hình thức trực tuyến thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.
Đằng sau động thái kiểm soát tiền điện tử của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) và 10 cơ quan chính phủ khác của nước này đã thông báo rằng tất cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp, đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng đồng bitcoin trong nước.

Theo nhận định của tạp chí Chính trị Thế giới ngày 5/10, đây là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng tiền điện tử đã có từ nhiều năm trước của Chính phủ Trung Quốc.

Nỗ lực kiểm soát thị trường tài chính

Giao dịch bằng tiền điện tử đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2019 nhưng hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra dưới hình thức trực tuyến thông qua các sàn giao dịch nước ngoài. Tháng 5/2021, các tổ chức tài chính và công ty thanh toán đã bị cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, một hình thức nhằm tăng cường các lệnh cấm tương tự được ban hành vào các năm 2013 và 2017.

Ở một mức độ nào đó, không có gì ngạc nhiên khi Chính phủ Trung Quốc cảm thấy không thoải mái với các loại tiền tệ phi tập trung, kể cả những loại tiền đã được mã hóa hay ẩn danh.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề xung quanh điều này. Các động thái của Bắc Kinh nên được nhìn nhận trong bối cảnh hai diễn biến. Thứ nhất là các cam kết của Trung Quốc về biến đổi khí hậu khi xét tới tác động môi trường của hoạt động khai thác tiền điện tử. Thứ hai là tham vọng của chính phủ trong việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên trên thế giới.

Tiền điện tử, trong đó đồng bitcoin là ví dụ nổi bật nhất, là loại tiền không dựa trên cơ sở pháp định, tức là dựa trên cơ sở quy định của luật pháp. Những loại tiền này không chính thức được phân loại là tiền vì thường thiếu đi sự hậu thuẫn của các quốc gia, hoặc không được "neo" giá trị với vàng, bạc hoặc một số loại giá trị có thể chuyển đổi khác.

Trong khi tiền điện tử đang bắt đầu được chấp nhận rộng rãi hơn như một hình thức thanh toán, sự chấp nhận đối với loại tiền này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng, bitcoin là hình thức tiền điện tử phổ biến nhất, với hơn 40% thị phần. Tuy nhiên, trên thị trường giờ có hàng ngàn loại tiền điện tử khác, bao gồm cả Dogecoin, đồng tiền đã có sự phát triển bùng nổ vào đầu năm nay nhờ vào một dòng Tweet của tỷ phú Elon Musk.

Câu chuyện đồng Dogecoin minh họa cho một trong những điểm hấp dẫn nhất của tiền điện tử; đó là một hệ thống thanh toán mới gắn bó với con người trong khi tránh được sự kiểm soát của các quốc gia, các thể chế tài chính lớn và các ngân hàng trung ương.

[PBoC: Tất cả giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số là bất hợp pháp]

Được phát minh ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, tiền điện tử và các công nghệ nền tảng liên quan đã tạo ra một sự thay đổi cuộc chơi, thoát khỏi sự bó buộc của các hệ thống tài chính truyền thống.

Do đó, người ta có thể dễ dàng hiểu được đồng tiền điện tử sẽ gây ra mối lo ngại như thế nào đối với Trung Quốc. Công nghệ cung cấp năng lượng cho tiền điện tử (hay được gọi là chuỗi khối) là một sổ cái phân tán, được mã hóa để tạo ra hồ sơ giao dịch chung, không thể thay đổi. Điều đó làm cho đồng tiền này an toàn, mà không tiết lộ các thông tin cá nhân về ai đã làm gì.

Về cơ bản tính chất này giống như tiền mặt. Dennis Desmond, một chuyên gia về tình báo và an ninh mạng tại Đại học Sunshine Coast ở Australia, nhận định rằng khía cạnh này của đồng tiền điện tử là một trong các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc, những người có thể “cho vay, mượn hoặc chuyển đổi tiền điện tử trong một nền kinh tế bóng tối mà tránh được sự kiểm soát gắt gao của Chính phủ Trung Quốc."

Hướng đến nguồn năng lượng sạch hơn

Mặc dù vậy, đó không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy hoạt động chống tiền điện tử của Bắc Kinh. Thông báo của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần trước rằng Trung Quốc sẽ ngừng đầu tư ra nước ngoài vào các nhà máy nhiệt điện than cũng là một yếu tố.

Để tạo ra các đồng tiền mới, cấu trúc tiền điện tử phụ thuộc vào một quá trình được gọi là khai thác tiền điện tử. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và năng lượng để giải quyết các thuật toán khó.

Theo Chỉ số tiêu thụ điện bitcoin của Cambridge, lượng điện tiêu thụ của việc khai thác bitcoin đứng thứ 34 trên thế giới nếu xét theo từng quốc gia, chỉ sau Hà Lan và thậm chí đứng trước Philippines.

Sự trấn áp của Bắc Kinh đối với đồng tiền điện tử chắc chắn sẽ ngăn chặn các hoạt động đầu tư và khai thác trong nước. Bất chấp các hoạt động tiền điện tử đã diễn ra mức độ cao ở Trung Quốc trước đây, các chuyên gia nghi ngờ rằng các biện pháp gần đây sẽ khiến bitcoin và các loại tiền điện tử khác rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.

Tháng 5/2021, khi Trung Quốc tuyên bố chiến dịch trấn áp các hoạt động giao dịch và khai thác bitcoin, những người "đào" bitcoin đã buộc phải chạy khỏi Trung Quốc để đến các quốc gia khác. Đây là những nơi cho phép giao dịch tiền điện tử và được coi là lý tưởng vì có chi phí năng lượng thấp để đáp ứng nhu cầu cao các hoạt động của tiền điện tử.

Simon Butler, một chuyên gia về tiền điện tử, nói rằng lệnh cấm ở Trung Quốc có thể có tác động tích cực đến môi trường tổng thể bằng cách thúc đẩy xu hướng đang diễn ra với năng lượng tái tạo, ngay cả trong khai thác tiền điện tử. Ông nói: “Các khoản đầu tư trên toàn cầu đang hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Vì vậy, về tổng thể, lệnh cấm của Trung Quốc có lẽ là tốt."

Mở đường cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số

Cuối cùng, trong khi các nhà bình luận nhanh chóng liên kết các hạn chế mới nhất của Trung Quốc đối với tiền điện tử với lo ngại về sự bất ổn kinh tế sau cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, điều này cũng liên quan đến kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tạo ra đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, đó là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Không giống như chuỗi khối phức tạp, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được kiểm soát bởi PBoC và dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng giám sát người dân trong nước.

Ngoài ra, tiềm năng sử dụng trên thị trường quốc tế của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể gây ra mối đe dọa đối với quyền bá chủ của đồng USD.

Theo số liệu do PBoC công bố, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được thử nghiệm trong các giao dịch có giá trị lên tới 5,3 tỷ USD. Quy mô thị trường nội địa của Trung Quốc, cùng với sự kiểm soát tập trung của chính phủ đối với thị trường này, khiến thành công dường như được đảm bảo. Đối với một số người, động thái này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới ở cấp độ công nghệ.

Cuộc chiến đối với tiền điện tử của Trung Quốc có liên quan rất nhiều đến bản chất tập trung của nước này. Tuy nhiên, những lo ngại về môi trường và lời hứa về việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số mới trong nước cũng là một phần lý do.

Một lần nữa, Trung Quốc thể hiện sự sẵn sàng thích ứng với các xu hướng công nghệ theo những cách thúc đẩy tham vọng kinh tế quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng giám sát trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục