Đánh bắt thua lỗ nhiều ngư dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu rao bán tàu

Gần đây nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Bà Rịa-Vũng Tàu rao bán tàu cá do giá xăng dầu, chi phí đánh bắt tăng cao, trong khi giá bán hải sản lại không tăng khiến ngư dân thua lỗ, không dám ra khơi.
Đánh bắt thua lỗ nhiều ngư dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu rao bán tàu ảnh 1 Nhiều tàu cá hành nghề giã cào tại cảng cá Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh đậu bờ lâu ngày đã được chủ liên tục rao bán. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, thiếu bạn ghe, nguyên liệu cho mỗi chuyến ra khơi tăng… đã khiến nhiều chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần và họ phải rao bán tàu.

Có mặt tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền - làng chài tỷ phú một thời nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như cả nước vào những ngày đầu tháng Tư này. Đây là làng chài có tuổi đời hơn 300 năm với hơn 80% hộ dân nơi đây làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ.

Làng nghề này được gọi với cái tên "làng chài tỷ phú," bởi đã có rất nhiều gia đình làm giàu từ nghề khai thác, chế biến thủy hải sản và thu nhập rất cao từ nghề đánh bắt, khai thác thủy sản.

Thế nhưng, giờ đây tại xã Phước Tỉnh đã có rất nhiều ngư dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cạn kiệt về kinh tế nên đã phải rao bán tàu cá. Nguyên nhân là vì các chuyến biển ra khơi ngày càng thua lỗ do nguyên liệu cho mỗi chuyến biến ra khơi tăng cao, khan hiếm trong tìm kiếm bạn đi biển….

Ông Nguyễn Văn Chương, 51 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có hơn 30 năm làm nghề đi biển, ban đầu từ làm thuê, làm mướn cho các chủ tàu. Đến năm 2004, có chút vốn liếng dành dụm được anh đã đóng cặp tàu đầu tiên để hành nghề giã cào. Những năm đầu gia đình anh sau mỗi chuyến ra khơi trúng rất nhiều hải sản và lãi sau mỗi chuyến biển từ 500-600 triệu/chuyến.

Từ đó, anh đã dành dụm thêm được nhiều vốn liếng, của cải để xây dựng nhà cửa và phát triển thêm kinh tế gia đình. Thấy làm ăn được, anh Chương đã lần lượt đóng thêm 2 cặp tàu nữa vào các năm 2010, 2013, với chi phí 6,5 tỷ đồng/cặp, công suất 500CV/chiếc.

Thế nhưng, khoảng gần 4 năm trở lại đây, việc ra khơi đánh bắt đã không còn được thuận lợi, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu cho mỗi chuyến biển nhất là giá xăng dầu tăng cao.

[Bà Rịa-Vũng Tàu lập 3 chốt kiểm soát liên ngành IUU kiểm tra tàu cá]

Không những vậy, việc tìm kiếm lao động đi biển gặp nhiều khó khăn, hầu như không có. Chủ tàu trước mỗi chuyến ra khơi đều phải ứng trước tiền công cho lao động, có khi đến ngày tàu xuất bến họ đem theo tiền ứng trốn đi, gây thiệt hại rất lớn cho chủ tàu….

Sau nhiều chuyến đi biển trong các năm gần đây liên tục thua lỗ, khiến anh Chương không thể cầm cự nổi, cuối năm 2022, anh Chương đã phải bán hết 3 cặp tàu hành nghề giã cào với giá 1,5 tỷ đồng/3 cặp. “Ba cặp tàu của tôi do lâu ngày không ra khơi, khiến tàu gỉ sét, với giá này người ta mua chỉ tháo ra để bán sắt vụn. Do không thể cầm cự được, nợ nần ngân hàng chồng chất tôi phải bán tàu để đi làm nghề khác. Xót xa lắm khi mà nghề mình gắn bó 30 năm mà phải từ bỏ,” anh Chương buồn rầu chia sẻ.

Còn ông Hồ Văn Điền, cùng ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh cũng đang rao bán cặp tàu hành nghề giã cào với giá 1,6 tỷ đồng. Theo ông Điền, đội tàu của gia đình hành nghề lưới kéo, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hầu hết đội tàu phải nằm bờ. Mới đây, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa lại một số thiết bị hư hỏng để chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Tuy nhiên, do không có thuyền trưởng, lao động đi biển và giá nhiên liệu tăng cao nên ông Điền đành cho 3 cặp tàu nằm bờ và đang kêu người mua với giá 1,6 tỷ/cặp tàu. Ông Điền cho biết mỗi cặp tàu trước đây, ông đầu tư đóng mới giá từ 6 -7 tỷ đồng, giờ quyết định bán tháo chỉ để thu về được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Theo ông Phan Thạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tình trạng ngư dân tàu cá đánh bắt xa bờ rao bán tàu cá diễn ra từ nhiều năm qua, nhất là thời điểm sau từ sau dịch COVID-19.

Xã có khoảng 290 hộ có tàu đánh bắt xa bờ, hiện có khoảng gần 20 chủ tàu rao bán phương tiện, có người rao bán 4-6 phương tiện, có người rao bán cả đội tàu 10 phương tiện với giá từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Hầu hết số tàu đang rao bán là tàu hành nghề lưới kéo (giã cào), có nhiều người rao bán từ ngay sau khi dịch COVID-19 kết thúc, đến nay vẫn không có người mua do phương tiện đã xuống cấp do lâu ngày không đi biển.

Đánh bắt thua lỗ nhiều ngư dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu rao bán tàu ảnh 2 Cặp tàu được ông Hồ Văn Điền, ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền sửa chữa lại để rao bán vì để nằm bờ dài ngày đã bị hư hỏng nặng. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Còn tại thành phố Vũng Tàu - địa phương có đội tàu đông thứ hai của tỉnh hiện cũng có nhiều chủ tàu đang rao bán. Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu, địa phương có 14 tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay nằm bờ và không hoạt động, trong đó có 8 chiếc đã được chủ rao bán và đã bán cho chủ tàu ở địa phương khác, 6 phương tiện còn lại bị hư thiết bị giám sát hành trình đang trong quá trình khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết đối với những tàu cá đã bán cho địa phương khác, Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu đã thông báo đến Chi cục Thủy sản để yêu cầu xóa khỏi danh sách tàu cá của địa phương. Còn đối với số phương tiện không gắn thiết bị giám sát hành trình thì đã có địa chỉ cụ thể, giao cho Ủy ban Nhân dân các phường quản lý và chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết từ năm 2020 đến nay, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh đã giảm 20%, tương đương với gần 1.200 chiếc, cụ thể năm 2020 toàn tỉnh có 5.812 chiếc tàu, đến nay còn 4.671 chiếc.

Số tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ và tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như tàu giã cào, đây là ngành nghề mà chủ trương của tỉnh phải giảm dần và chuyển đổi nghề, tính đến cuối tháng 3/2023 đã giảm 220 chiếc so với năm 2019, hiện còn 1.395 chiếc; nhóm tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng cũng giảm.

Cũng theo Chi cục Thủy sản, hiện Chi cục và các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển đã và đang kiểm soát chặt chẽ các tàu cá khi ra khơi đánh bắt trên biển.

Chi cục cũng thông báo, đối với các tàu cá đã bán cho chủ ở các tỉnh khác phải thực hiện đổi chủ để xóa tên, số hiệu để tiện trong việc quản lý tàu cá khi đánh bắt trên biển, không để ảnh hưởng đến uy tín của địa phương trong trường hợp có vi phạm đánh bắt trên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục