Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023

Động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đến từ các yếu tố cơ bản có triển vọng tốt như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có sức bật trở lại; ngành dịch vụ du lịch và lưu trú khôi phục.
Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 ảnh 1Công nhân làm việc trong khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 21/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023; đồng thời công bố ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022" của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Chủ đề của hội thảo cũng như của ấn phẩm thường niên năm nay là "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản."

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và bất định, kinh tế Việt Nam năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm sâu do đại dịch COVID-19. Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định.

Tuy nhiên, một số vấn đề của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ còn chưa được cải thiện, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro, bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững. Vì vậy, chủ đề của hội thảo năm nay, bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, đã lựa chọn chủ đề đánh giá thực trạng thị trường bất động sản cũng như cảnh báo những rủi ro và bất ổn của thị trường này.

Nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tác động của các yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới cũng như các điểm nghẽn về nền tảng tăng trưởng trong nước đã khiến những dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2022. Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 6,3-6,5% trong năm 2023.

Động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đến từ các yếu tố cơ bản có triển vọng tốt như sau giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tỷ trọng khoảng 25% GDP, đang có sức bật trở lại, với hỗ trợ của khu vực FDI.

Ngành dịch vụ du lịch và lưu trú khôi phục trở lại với lượng khách quốc tế cao hơn đến từ chính sách nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở nhiều nước. Đầu tư công đang được quyết liệt đẩy mạnh, đóng góp lớn vào đầu tư xã hội, bổ trợ cho khu vực tư nhân còn khó khăn…

Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thực hiện trong năm cuối cùng với quyết tâm mạnh mẽ hơn sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

[IMF: Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới]

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay gồm suy giảm trong cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi. Lạm phát thế giới vẫn ở mức cao tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.

Từ thực trạng hiện nay, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra khuyến nghị chính sách chung cho năm 2023. Theo đó, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 trong giai đoạn tới cần chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Chính phủ cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Ổn định và phát triển thị trường bất động sản

Phân tích về thị trường bất động sản 2022 và giải pháp phát triển, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,32% GDP, xây dựng đóng góp 5,44% GDP và đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Bất động sản cũng là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, vốn, xây dựng, thị trường lao động…

Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua, thị trường bất động sản còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh. Việc điều hành quản lý và phát triển thị trường bất động sản chưa phát huy được vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết vĩ mô, kiểm soát hoạt động của thị trường. Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản… chưa thống nhất và chồng chéo. Quy định và thủ tục triển khai dự án còn nhiều điểm nghẽn dẫn đến thị trường thiếu hụt nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 ảnh 2Các tòa nhà chung cư bên kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao và nền kinh tế "bong bóng," Việt Nam cần hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; kiểm soát chống đầu cơ bất động sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, xác định cơ cấu hàng hóa bất động sản phù hợp cho từng địa phương, khu vực dựa trên dự báo về dân số, thu nhập bình quân, định hướng phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ.

Nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đề xuất nhóm giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Đó là tiếp tục mở rộng room tín dụng cho bất động sản ở mức hợp lý, ban hành tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào nhiều dự án bất động sản, nhà ở cao cấp, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp có hiệu quả cao…

Kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý 2/2023

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý 1 và quý 2 cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.

Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý 1/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý 1, gia tăng dần ở quý 2 sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý 2 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý 1.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm.

Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2 và các quý tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% mới khả thi. Cụ thể, về phía cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế.

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 ảnh 3Khách hàng giao dịch tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao nhưng do độ trễ về thời gian, dự đoán trong thời gian tới mới thực sự đi sâu và ngấm để giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Chính sách tỷ giá cần áp dụng để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất.

Các cấp các ngành và địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, từ đó tạo hiệu quả về thu hút đầu tư.

Ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá; cần thực hiện tốt công tác phát triển, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất-tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục