Tình trạng những bóng áo trắng vi vu xe máy đến trường đang ngày một phổ biến trên đường phố Hà Nội. Câu chuyện đang ngày một phức tạp hơn, khi mà lực lượng cảnh sát cứ ra sức xử lý vi phạm, trong khi nhiều phụ huynh học sinh lại mặc nhiên “buông” vì… thương con.
Đủ mánh “nhờn” luật
6 rưỡi sáng ngày 18/4, có mặt tại cổng trường cấp 3 Trần Phú, hàng chục học sinh trong đồng phục học sinh “lượn” xe máy đến trường khiến người đi đường lóa mắt.
Ngay gần đó, ba nữ sinh đầu trần, trên tay áo còn ghi rõ phù hiệu trường nhanh nhảu quẹo xe lao vút về phía con ngõ sau cổng phụ của trường.
Dường như đã là khách quen ở khu vực này, 3 cô nàng nọ thậm chí còn chẳng phải mất công cất xe. Nhác thấy bóng chiếc xe quen, một thanh niên vội dắt gọn xe, thậm chí chẳng cần đưa vé.
Theo nhiều người sống tại khu vực này, chuyện học sinh đi xe máy đến trường ở đây đã như cơm bữa.
“Số lượng xe máy của học sinh ở trong khu vực này có khi còn đông hơn cả xe của người dân,” bác Thanh, một chủ cửa hàng gần đó tiết lộ.
Phía khu vực quanh cổng trường Trung học Phổ thông Yên Hòa, chuyện học sinh đi xe máy tới trường cũng chẳng hề khó gặp.
Cuối giờ chiều cùng ngày, chỉ chưa đầy nửa tiếng đứng ở đầu đường Nguyễn Khang, phóng viên Vietnam+ đã chứng kiến hàng chục chiếc xe máy luồn lách trong những con ngõ quanh trường. Nhiều học sinh thậm chí chẳng ngại cuốc bộ hàng trăm mét để tránh tầm quan sát của nhà trường.
“Chỗ gửi xe không khó. Còn đi trên đường, chỉ cần chịu khó đi luồn lách một chút. Đến ngã ba, ngã tư thì hòa lẫn vào giữa dòng người đông đúc, cảnh sát giao thông không thể xử lý kịp,” một học sinh hồn nhiên trả lời.
Để xử lý tình trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã tiến hành ra quân trên nhiều quận thuộc địa bàn nhằm siết việc kiểm tra, xử lý.
Theo thượng úy Nguyễn Thế Vinh, đội cảnh sát giao thông số 3, mặc dù mới ra quân tập trung xử lý vi phạm nhưng số lượng học sinh mắc lỗi bị lập biên bản và giữ phương tiện đã tương đối nhiều.
Có mặt tại chốt Cầu Giấy từ những ngày đầu ra quân cách đây vài hôm, thượng úy Vinh cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng buổi sáng riêng chốt này đã xử lý tới 4 trường hợp là học sinh phổ thông vi phạm.
Thượng úy Vinh cũng thừa nhận, hiện nay công tác xử lý học sinh đang gặp không ít khó khăn. Rất nhiều trường hợp học sinh liều lĩnh, thậm chí còn có thái độ thách thức lực lượng chức năng.
Nhiều đối tượng khi được yêu cầu dừng xe thì sẵn sàng rú ga lạng lách bỏ chạy. Thậm chí, có trường hợp, học sinh vứt hẳn xe tại chốt rồi bỏ chạy.
Theo Trung tá Bùi Ngọc Anh, Đội phó đội cảnh sát giao thông số 3, để xử lý được một trường hợp vi phạm không dễ vì nhiều em khi vi phạm thường nói dối quanh, không khai tên và địa chỉ thật. Chỉ khi lực lượng kiên quyết làm nghiêm bằng cách lấy giấy xác nhận của trường các em mới tỏ vẻ sợ hãi.
Cảnh sát siết, phụ huynh “buông”
Với mong muốn đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao y thức kỷ luật cho các em, cảnh sát giao thông đã phối hợp với nhà trường làm nghiêm. Thế nhưng, mỗi lần các em vi phạm là phụ huynh học sinh thường đúng ra xin, thậm chí có những người còn có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho cảnh sát giao thông.
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng tuyên truyền Luật đường bộ, Cục cảnh sát đường bộ đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, thực tế học sinh đi xe máy tới trường vẫn khá phổ biến bởi gia đình nuông chiều con với lý do đi học thêm, trường lớp ở xa, trái tuyến.
“Lực lượng chức năng tăng cường xử lý nhưng không xuể. Theo thống kê, có một tháng, cảnh sát giao thông đã dành hẳn một tháng xử lý chuyên đề này. Tuy nhiên, việc kiểm tra rất khó bởi cảnh sát chỉ dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm chứ không thể dừng được nhiều xe nhất là khi đường rất đông,”thượng tá Sơn chia sẻ.
Quan trọng hơn, theo quan điểm của nhà trường và cơ quan chức năng, giải được bài toán này việc đầu tiên phải làm chính là nâng cao nhận thức từ phía gia đình.
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 1 cho rằng, không thể cảnh sát giao thông, nhà trường căng mình xử lý vi phạm, còn phụ huynh thì tìm đủ lý do để biện minh cho việc giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
“Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng nên nghiên cứu bằng cách nào đó tính toán giảm tình trạng học trái tuyến. Có như vậy, học sinh sẽ bớt phải đi học xa nhà, thì việc sử dụng xe máy làm phương tiện đi học chắc chắn sẽ được cải thiện,” Trung tá Tâm kiến nghị./.
Đủ mánh “nhờn” luật
6 rưỡi sáng ngày 18/4, có mặt tại cổng trường cấp 3 Trần Phú, hàng chục học sinh trong đồng phục học sinh “lượn” xe máy đến trường khiến người đi đường lóa mắt.
Ngay gần đó, ba nữ sinh đầu trần, trên tay áo còn ghi rõ phù hiệu trường nhanh nhảu quẹo xe lao vút về phía con ngõ sau cổng phụ của trường.
Dường như đã là khách quen ở khu vực này, 3 cô nàng nọ thậm chí còn chẳng phải mất công cất xe. Nhác thấy bóng chiếc xe quen, một thanh niên vội dắt gọn xe, thậm chí chẳng cần đưa vé.
Theo nhiều người sống tại khu vực này, chuyện học sinh đi xe máy đến trường ở đây đã như cơm bữa.
“Số lượng xe máy của học sinh ở trong khu vực này có khi còn đông hơn cả xe của người dân,” bác Thanh, một chủ cửa hàng gần đó tiết lộ.
Phía khu vực quanh cổng trường Trung học Phổ thông Yên Hòa, chuyện học sinh đi xe máy tới trường cũng chẳng hề khó gặp.
Cuối giờ chiều cùng ngày, chỉ chưa đầy nửa tiếng đứng ở đầu đường Nguyễn Khang, phóng viên Vietnam+ đã chứng kiến hàng chục chiếc xe máy luồn lách trong những con ngõ quanh trường. Nhiều học sinh thậm chí chẳng ngại cuốc bộ hàng trăm mét để tránh tầm quan sát của nhà trường.
“Chỗ gửi xe không khó. Còn đi trên đường, chỉ cần chịu khó đi luồn lách một chút. Đến ngã ba, ngã tư thì hòa lẫn vào giữa dòng người đông đúc, cảnh sát giao thông không thể xử lý kịp,” một học sinh hồn nhiên trả lời.
Để xử lý tình trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đã tiến hành ra quân trên nhiều quận thuộc địa bàn nhằm siết việc kiểm tra, xử lý.
Theo thượng úy Nguyễn Thế Vinh, đội cảnh sát giao thông số 3, mặc dù mới ra quân tập trung xử lý vi phạm nhưng số lượng học sinh mắc lỗi bị lập biên bản và giữ phương tiện đã tương đối nhiều.
Có mặt tại chốt Cầu Giấy từ những ngày đầu ra quân cách đây vài hôm, thượng úy Vinh cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng buổi sáng riêng chốt này đã xử lý tới 4 trường hợp là học sinh phổ thông vi phạm.
Thượng úy Vinh cũng thừa nhận, hiện nay công tác xử lý học sinh đang gặp không ít khó khăn. Rất nhiều trường hợp học sinh liều lĩnh, thậm chí còn có thái độ thách thức lực lượng chức năng.
Nhiều đối tượng khi được yêu cầu dừng xe thì sẵn sàng rú ga lạng lách bỏ chạy. Thậm chí, có trường hợp, học sinh vứt hẳn xe tại chốt rồi bỏ chạy.
Theo Trung tá Bùi Ngọc Anh, Đội phó đội cảnh sát giao thông số 3, để xử lý được một trường hợp vi phạm không dễ vì nhiều em khi vi phạm thường nói dối quanh, không khai tên và địa chỉ thật. Chỉ khi lực lượng kiên quyết làm nghiêm bằng cách lấy giấy xác nhận của trường các em mới tỏ vẻ sợ hãi.
Cảnh sát siết, phụ huynh “buông”
Với mong muốn đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao y thức kỷ luật cho các em, cảnh sát giao thông đã phối hợp với nhà trường làm nghiêm. Thế nhưng, mỗi lần các em vi phạm là phụ huynh học sinh thường đúng ra xin, thậm chí có những người còn có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho cảnh sát giao thông.
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng tuyên truyền Luật đường bộ, Cục cảnh sát đường bộ đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, thực tế học sinh đi xe máy tới trường vẫn khá phổ biến bởi gia đình nuông chiều con với lý do đi học thêm, trường lớp ở xa, trái tuyến.
“Lực lượng chức năng tăng cường xử lý nhưng không xuể. Theo thống kê, có một tháng, cảnh sát giao thông đã dành hẳn một tháng xử lý chuyên đề này. Tuy nhiên, việc kiểm tra rất khó bởi cảnh sát chỉ dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm chứ không thể dừng được nhiều xe nhất là khi đường rất đông,”thượng tá Sơn chia sẻ.
Quan trọng hơn, theo quan điểm của nhà trường và cơ quan chức năng, giải được bài toán này việc đầu tiên phải làm chính là nâng cao nhận thức từ phía gia đình.
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông số 1 cho rằng, không thể cảnh sát giao thông, nhà trường căng mình xử lý vi phạm, còn phụ huynh thì tìm đủ lý do để biện minh cho việc giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
“Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng nên nghiên cứu bằng cách nào đó tính toán giảm tình trạng học trái tuyến. Có như vậy, học sinh sẽ bớt phải đi học xa nhà, thì việc sử dụng xe máy làm phương tiện đi học chắc chắn sẽ được cải thiện,” Trung tá Tâm kiến nghị./.
Xuân Dũng - Việt Hùng (Vietnam+)