Đấu giá đất cao rồi bỏ cọc: Bộ Xây dựng, TN-MT kiến nghị xử lý nghiêm

Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật cũng như hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trước hiện tượng đấu giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đấu giá đất, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Giá đất cao làm khó giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án...

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, thời gian qua đã có nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Mức giá này được dùng làm thông tin tham chiếu, xác định giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá.

Đáng chú ý là, hiện tượng "hét" giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá “ảo” để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt là đấu giá đất ở tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá,” “quân xanh - quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá” (ví dụ như vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thái Bình năm 2020).

Đánh giá về thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng việc trúng đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Bên cạnh đó, giá đất tăng cũng làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản. Các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả.

[Đẩy mạnh việc đưa đất của các dự án ‘treo’ vào khai thác, sử dụng]

Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả, dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Chưa kể, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội; dễ kích động người dân bị thu hồi đất đã nhận tiền bồi thường hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức bồi thường cao hơn phương án bồi thường đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.

Đấu giá đất cao rồi bỏ cọc: Bộ Xây dựng, TN-MT kiến nghị xử lý nghiêm ảnh 1Khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Đặc biệt, việc tăng giá nhà ở cũng sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở…

Xử nghiêm các trường hợp vi phạm về đấu giá đất

Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những hệ luỵ, tiêu cực đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung quy định để phân định các trường hợp, khu vực thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất kèm theo điều kiện cụ thể đối với tổ chức, doanh nghiệp tham giá đấu thầu dự án…

Cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có đã Công văn số 413 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Trên cơ sở đó, các địa phương gửi kết quả rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá đất trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 28/2/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục