Dù hồi phục mạnh mẽ với lượng khách tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt trên 30%, nhưng ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với báo Nhân Dân đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.” Các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phải giữ được bản sắc trong quá trình phát triển!
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch thẳng thắn nhận định du lịch Việt Nam sẽ khó phát triển nếu tình trạng đeo bám khách vẫn cứ diễn ra, môi trường xã hội không được cải thiện.
Hiện các sản phẩm du lịch của Việt Nam đang xuống cấp như di tích lịch sử Pắc Bó rất đẹp nhưng nay đã bị bêtông hóa rất nhiều; bãi biển nhiều nơi bị ô nhiễm. Ngay như tại Thủ đô Hà Nội, cổng chùa Trấn Quốc vôi ve lại trông lòe loẹt. Không giữ được bản sắc văn hóa thì không thể phát triển du lịch.
Về những thách thức của du lịch trong quá trình phát triển, ông Bùi Xuân Nhật, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng hiện nay, quy hoạch về du lịch vẫn nằm trên giấy.
Môi trường tại các điểm du lịch đang xuống cấp. Khâu quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam hiện làm rất yếu. Chính vì vậy, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới đây phải tập trung vào chất lượng. Trước mắt, các tiêu chí dịch vụ phải đạt chuẩn thế giới mới thu hút được du khách.
So sánh với cách làm du lịch của các nước, ông Nguyễn Lê Bách, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Kuwait, Syria, Palestine, Israel cho rằng quản lý du lịch nên thu về một mối. Đã coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp thì cần có liên kết sức mạnh tổng hợp. Ví dụ như Ai Cập có Hội đồng tối cao về phát triển du lịch do Thủ tướng chỉ đạo họp hai tháng một lần.
“Ở nước ngoài, cứ nghe thông tin du khách bị cướp giật khiến tôi rất bức xúc và nhiều lần đề xuất thành lập cảnh sát du lịch để dẹp nạn đeo bám khách, gây mất thiện cảm của du khách khi tới Việt Nam...” - ông Lê Bách tâm sự.
Ông Bách cũng cho rằng du lịch Việt Nam thời gian qua nặng về khai thác tài nguyên sẵn có nên du khách đến chủ yếu là theo loại hình du lịch khám phá, dẫn tới nhiều du khách “một đi không trở lại.” Trong khi đó, những người làm du lịch Việt Nam vẫn chưa có đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch hút khách.
Đơn cử như ở Ai Cập, họ xây dựng một làng Pharaông diễn lại cảnh sinh hoạt của người Ai Cập xưa; trong khi đó, tại Việt Nam, du khách đến nhiều di tích như Cổ Loa, Đền Hùng... chỉ được nghe lại lời kể của hướng dẫn viên và tự “tưởng tượng." Việc phục dựng lại những hoạt động sinh hoạt cổ xưa, người làm du lịch Việt Nam đều đủ sức làm, nhưng đến nay các dự án vẫn trên giấy.
Phát triển du lịch trong chủ động hội nhập quốc tế
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết, năm 1990, Việt Nam mới đón được khoảng 250.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách công vụ, nhưng đến năm 2008, Việt Nam đã đón 4,2 triệu lượt khách, thu nhập du lịch đạt gần 4 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn và nhiều điểm du lịch đã được quan tâm đầu tư. Ngành du lịch cũng đã thu hút khoảng 1 triệu lao động.
Du lịch cũng là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Riêng năm 2009, thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch đạt 8,8 tỷ USD trong tổng số 22,48 tỷ USD đầu tư nước ngoài, chiếm 41% trong tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam.
Tuy vậy, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, khiến lượng khách trong năm qua giảm 11%. Sang năm 2010, cùng với kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đất nước, sự phục hồi lượng khách trong thời gian qua là dấu hiệu đáng mừng.
Với nhiều sự kiện trọng đại được tổ chức trong năm nay, nhất là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng. Dù vậy, so với tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam, lượng khách đến Việt Nam còn thấp và còn khoảng cách khá xa với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Chính vì vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới gồm tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như các ngành, cấp về du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; nghiên cứu khảo sát thị hiếu từng thị trường du lịch.
Trước mắt, ngành du lịch cần tập trung rà soát lại quy hoạch; làm việc với 10 trường đào tạo về du lịch do bộ quản lý; đồng thời đẩy mạnh liên kết với các quốc gia trong khu vực (xây dựng bốn quốc gia - một điểm đến gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) và liên kết với Malaysia trong xúc tiến quảng bá du lịch...
Việt Nam đang thực sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Ngành du lịch Việt Nam phấn đấu và đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 11-12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa./.
Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với báo Nhân Dân đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.” Các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phải giữ được bản sắc trong quá trình phát triển!
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch thẳng thắn nhận định du lịch Việt Nam sẽ khó phát triển nếu tình trạng đeo bám khách vẫn cứ diễn ra, môi trường xã hội không được cải thiện.
Hiện các sản phẩm du lịch của Việt Nam đang xuống cấp như di tích lịch sử Pắc Bó rất đẹp nhưng nay đã bị bêtông hóa rất nhiều; bãi biển nhiều nơi bị ô nhiễm. Ngay như tại Thủ đô Hà Nội, cổng chùa Trấn Quốc vôi ve lại trông lòe loẹt. Không giữ được bản sắc văn hóa thì không thể phát triển du lịch.
Về những thách thức của du lịch trong quá trình phát triển, ông Bùi Xuân Nhật, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng hiện nay, quy hoạch về du lịch vẫn nằm trên giấy.
Môi trường tại các điểm du lịch đang xuống cấp. Khâu quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam hiện làm rất yếu. Chính vì vậy, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới đây phải tập trung vào chất lượng. Trước mắt, các tiêu chí dịch vụ phải đạt chuẩn thế giới mới thu hút được du khách.
So sánh với cách làm du lịch của các nước, ông Nguyễn Lê Bách, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Kuwait, Syria, Palestine, Israel cho rằng quản lý du lịch nên thu về một mối. Đã coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp thì cần có liên kết sức mạnh tổng hợp. Ví dụ như Ai Cập có Hội đồng tối cao về phát triển du lịch do Thủ tướng chỉ đạo họp hai tháng một lần.
“Ở nước ngoài, cứ nghe thông tin du khách bị cướp giật khiến tôi rất bức xúc và nhiều lần đề xuất thành lập cảnh sát du lịch để dẹp nạn đeo bám khách, gây mất thiện cảm của du khách khi tới Việt Nam...” - ông Lê Bách tâm sự.
Ông Bách cũng cho rằng du lịch Việt Nam thời gian qua nặng về khai thác tài nguyên sẵn có nên du khách đến chủ yếu là theo loại hình du lịch khám phá, dẫn tới nhiều du khách “một đi không trở lại.” Trong khi đó, những người làm du lịch Việt Nam vẫn chưa có đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch hút khách.
Đơn cử như ở Ai Cập, họ xây dựng một làng Pharaông diễn lại cảnh sinh hoạt của người Ai Cập xưa; trong khi đó, tại Việt Nam, du khách đến nhiều di tích như Cổ Loa, Đền Hùng... chỉ được nghe lại lời kể của hướng dẫn viên và tự “tưởng tượng." Việc phục dựng lại những hoạt động sinh hoạt cổ xưa, người làm du lịch Việt Nam đều đủ sức làm, nhưng đến nay các dự án vẫn trên giấy.
Phát triển du lịch trong chủ động hội nhập quốc tế
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết, năm 1990, Việt Nam mới đón được khoảng 250.000 lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách công vụ, nhưng đến năm 2008, Việt Nam đã đón 4,2 triệu lượt khách, thu nhập du lịch đạt gần 4 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn và nhiều điểm du lịch đã được quan tâm đầu tư. Ngành du lịch cũng đã thu hút khoảng 1 triệu lao động.
Du lịch cũng là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Riêng năm 2009, thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch đạt 8,8 tỷ USD trong tổng số 22,48 tỷ USD đầu tư nước ngoài, chiếm 41% trong tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam.
Tuy vậy, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, khiến lượng khách trong năm qua giảm 11%. Sang năm 2010, cùng với kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đất nước, sự phục hồi lượng khách trong thời gian qua là dấu hiệu đáng mừng.
Với nhiều sự kiện trọng đại được tổ chức trong năm nay, nhất là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng. Dù vậy, so với tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam, lượng khách đến Việt Nam còn thấp và còn khoảng cách khá xa với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Chính vì vậy, trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới gồm tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như các ngành, cấp về du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; nghiên cứu khảo sát thị hiếu từng thị trường du lịch.
Trước mắt, ngành du lịch cần tập trung rà soát lại quy hoạch; làm việc với 10 trường đào tạo về du lịch do bộ quản lý; đồng thời đẩy mạnh liên kết với các quốc gia trong khu vực (xây dựng bốn quốc gia - một điểm đến gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) và liên kết với Malaysia trong xúc tiến quảng bá du lịch...
Việt Nam đang thực sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Ngành du lịch Việt Nam phấn đấu và đặt mục tiêu đến năm 2020 thu hút 11-12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 45 triệu lượt khách nội địa./.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)