Theo báo cáo hàng năm mới nhất về công nghệ của công tư tư vấn quản lý hàng đầu Bain & Co. của Mỹ công bố ngày 20/9, căng thẳng chính trị đã khiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc giảm 96%.
Từ năm 2016 đến năm 2020, đầu tư trực tiếp giữa hai nước giảm 75%, từ 62 tỷ USD xuống 16 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực công nghệ giảm 96%.
Bà Anne Hoeker, người phụ trách báo cáo, cho biết đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với chiều ngược lại, do Mỹ siết chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc, đưa đến những yếu tố không chắc chắn về địa chính trị. Theo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ và bán dẫn này, môi trường kinh doanh cho các công ty Trung Quốc tại Mỹ có thể ít chắc chắn hơn trước và các công ty này đã chuyển trọng tâm đầu tư sang châu Âu và châu Phi.
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm từ 48,5 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ còn 7,2 tỷ USD năm 2020, trong khi đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm 35%, xuống 8,69 tỷ USD. Số liệu của Trung tâm Đầu tư Mỹ-Trung, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản và các lĩnh vực liên quan đến y tế giảm mạnh nhất.
Theo bà Hoeker, một số nền kinh tế lớn đang đầu tư mạnh nhất từ trước tới nay nhằm tự chủ về công nghệ và chuỗi cung ứng, điều chưa trở thành một vấn đề cốt yếu chỉ vài năm trước, khi các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp Mỹ quan tâm nhất đến việc làm thế nào tiếp cận được với thị trường Trung Quốc.
Những gián đoạn của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt chip chưa từng xảy ra đã càng thúc đẩy xu hướng đó hơn nữa, khiến việc tự chủ về công nghệ trở thành một vấn đề của các nền kinh tế, không chỉ là Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của Bain & Co. được công bố chỉ hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 9/9. Dù vậy, căng thẳng giữa hai nước vẫn chưa có nhiều dấu hiệu lắng dịu kể từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1/2021.
[Nga phạt Facebook và Twitter của Mỹ vì không xóa nội dung bị cấm]
Các hoạt động thương mại và cạnh tranh thương mại vẫn là hai điểm bất đồng chính giữa hai cường quốc.
Mỹ đã đưa 168 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó có Huawei và hàng chục chi nhánh của tập đoàn này, từ giữa năm 2018 đến tháng 4/2021.
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng mới trong khu vực đã bắt đầu hình thành bên ngoài Trung Quốc chưa đầy 100 ngày sau khi Mỹ áp thuế trừng phạt đợt đầu tiên lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, khi các công ty bắt đầu xem việc tự chủ là một xu hướng không tránh khỏi.
Các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Apple, Google, Amazon, và Microsoft đều đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng công suất ngoài Trung Quốc do sự không chắc chắc về địa chính trị./.