Đầu tư môi trường, xã hội, quản trị - đòn bẩy tăng trưởng cho ASEAN

Olam International dự định sẽ phân bổ 1,6 tỷ USD mà công ty này thu được từ việc bán 4 mảng kinh doanh để đầu tư cho các lĩnh vực thân thiện hơn với môi trường và có khả năng sinh lời cao hơn.
Đầu tư môi trường, xã hội, quản trị - đòn bẩy tăng trưởng cho ASEAN ảnh 1Công ty kinh doanh hàng hóa Olam International của Singapore là một trong số những doanh nghiệp tham gia vào làn sóng đầu tư cho các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.(Nguồn: Olam)

Theo tờ Nikkei Asia Review, các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang hành động để cải thiện hồ sơ về lao động và môi trường, trong bối cảnh xu hướng đầu tư có trách nhiệm về mặt xã hội đang gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư cho các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên thế giới đã tăng lên 30.000 tỷ USD, và các công ty châu Á rất muốn tăng thị phần của mình.

Các sở giao dịch chứng khoán châu Á cũng đã chú trọng tới vấn đề này, trong đó có tới 10 sở giao dịch tại 8 quốc gia đã yêu cầu các công ty niêm yết phải báo cáo về các khoản đầu tư cho các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.

[Từ 1/1/2020, miễn hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường ASEAN]

Con số này lớn hơn so với ở châu Âu, nơi các khoản tín dụng gắn với phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến.

Công ty kinh doanh hàng hóa Olam International của Singapore là một trong số những doanh nghiệp tham gia vào làn sóng ESG này.

Hồi tháng 3/2019, công ty đã huy động được một khoản vay có liên quan tới việc phát triển bền vững trị giá 500 triệu USD trong thời hạn 3 năm.

Theo các điều khoản của hợp đồng này, Olam International cam kết sẽ đáp ứng các mục tiêu về ESG, bao gồm bảo vệ môi trường và điều kiện lao động.

Vào đầu năm 2019, Olam International đã thông báo trong 5 năm tới, công ty sẽ bán các đơn vị hoạt động trong các ngành mía, cao su, đồ gỗ và phân bón mà công ty này cho rằng không còn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của mình.

Olam International dự định sẽ phân bổ 1,6 tỷ USD mà công ty này thu được từ việc bán 4 mảng kinh doanh trên để đầu tư cho các lĩnh vực thân thiện hơn với môi trường và có khả năng sinh lời cao hơn, bao gồm các loại hạt có thể ăn được và càphê.

Ông Sunny Verghese, Tổng Giám đốc Olam International, nói: “Châu Á đang bắt kịp châu Âu về ESG và vấn đề phát biển bền vững đang được quan tâm.”

Cùng với Olam International, Thai Union Group - doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đóng hộp hàng đầu thế giới - là một công ty khác đang cố gắng tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh.

Năm 2015, hãng tin AP đã công bố kết quả điều tra về lao động nô dịch tại một nhà cung cấp của công ty này, và nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích ngành đánh bắt cá Thái Lan vì “tình trạng nô dịch trên biển.”

Giờ đây, Thai Union Group đang thay đổi, bao gồm việc xây dựng một hệ thống mới nhằm giám sát hành vi bạo lực trên các tàu đánh bắt cá ở ngoài biển sâu.

Vào đầu tháng 7/2019, Viện nghiên cứu nhân quyền và kinh doanh - một tổ chức nghiên cứu của Anh - đã tổ chức một sự kiện tại thủ đô Bangkok của Thái Lan với tên gọi Diễn đàn toàn cầu vì tuyển dụng có trách nhiệm.

Bà Darian McBain, Giám đốc phụ trách các vấn đề công ty và phát triển bền vững của Thai Union Group, đã phát biểu tại sự kiện này.

Bà đã nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi khi mô tả về việc công ty đã xử lý vấn đề nô dịch thời hiện đại như thế nào.

Bà McBain nói: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để chống lại tình trạng nô lệ thời hiện đại, và thúc đẩy lao động an toàn và hợp pháp trong các chuỗi cung ứng của mình cũng như đặt chúng tôi vào vị trí những người đi đầu trong khu vực tư nhân có những thay đổi tích cực.”

Tuy nhiên, một thách thức mà các công ty Đông Nam Á đang phải đối mặt trong việc thu hút đầu tư vào ESG là vượt qua các định kiến của các nhà đầu tư về khu vực này.

Chẳng hạn, Sime Darby, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới của Malaysia, thường bị chỉ trích bởi các nhà đầu tư ESG và các tổ chức môi trường phi chính phủ.

Ông Mohamad Nasir Ab Latif, Chủ tịch Hội đồng các nhà đầu tư có tổ chức của Malaysia, cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài thường cho rằng các công ty Malaysia có liên quan tới các đồn điền.

Hội đồng các nhà đầu tư có tổ chức của Malaysia là một tổ chức của chính phủ được thành lập như một phần trong các nỗ lực cải cách hoạt động quản trị công ty của Malaysia.

Hội đồng này thường kêu gọi các công ty cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hội đồng cũng đang cố gắng thay đổi sự hiểu nhầm của những nhà đầu tư phương Tây.

Một quan chức của Chính phủ Malaysia cho biết, việc thu hút đầu tư ESG là rất quan trọng cho sự tăng trưởng của châu Á và tăng khả năng cạnh tranh của các công ty ở châu lục này.

Các nhà đầu tư Đông Nam Á cũng đang tuân thủ các quy tắc về ESG. Quỹ đầu tư Temasek Holdings của Singapore, vốn đang quản lý khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ SGD (220,4 tỷ USD), đã đầu tư khoảng 70% trong tổng số vốn của mình vào các công ty ở Singapore, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Trong những năm gần đây, Temasek Holdings đã thúc đẩy các khoản đầu tư bền vững.

Ba năm trước, quỹ đã thành lập nhóm chuyên gia để đảm bảo rằng vấn đề phát triển bền vững được xem xét trước khi quỹ này đưa ra các quyết định đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục