Đầu tư phát triển du lịch của huyện đảo Phú Quốc

Từ năm 2006 đến nay, huyện đảo Phú Quốc thu hút hơn 150 dự án đầu tư các khu du lịch với tổng số vốn gần 42.000 tỷ đồng.
Tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đầu tư phát triển du lịch huyện đảo Phú Quốc nhằm sớm trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế có chất lượng cao, thu hút và giữ chân du khách, trong đó tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt.

Tỉnh huy động tổng hợp các nguồn vốn, đảm bảo đủ vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, thiết yếu như sân bay, đường điện cao thế bằng cáp ngầm xuyên biển, hệ thống đường giao thông vòng quanh đảo, đường trục giữa Bắc-Nam đảo, khu tái định cư, cấp và thoát nước, xử lý rác thải, nước thải phục vụ phát triển du lịch.

Theo quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, diện tích đất để phát triển du lịch 5.096 ha, chiếm 8,6% diện tích tự nhiên của đảo.

Vùng phát triển du lịch sinh thái dọc theo bờ biển phía Tây, bao gồm Gành Dầu, Bãi Thơm, Bãi Dài, Cửa Cạn, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bãi Sao, Bãi Khem, quần đảo nam An Thới.

Vùng phát triển du lịch hỗn hợp bố trí tại khu vực Bãi Vòng, Vịnh Đầm và vùng phát triển du lịch phức hợp, dịch vụ ở khu vực Bãi Trường.

Từ năm 2006 đến nay, Phú Quốc thu hút hơn 150 dự án đầu tư các khu du lịch, trong đó có 36 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn gần 42.000 tỷ đồng. Hiện nay, có bảy dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, giá trị vốn đầu tư 864 tỷ đồng; ba dự án đang triển khai xây dựng, trong đó có một dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trên diện tích 156ha, vốn đầu tư 586 tỷ đồng.

Các dự án còn lại được chấp thuận chủ trương đầu tư đang thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoàn tất các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện.

Tổng vốn đầu tư huy động xây dựng cơ bản phục vụ phát triển du lịch ở Phú Quốc trong 5 năm qua hơn 5.400 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách và các thành phần kinh tế khác. Khách du lịch đến Phú Quốc tăng bình quân hàng năm là 12% và doanh thu tăng 27%/năm.

Ngành du lịch và các dịch vụ du lịch đã đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Phú Quốc. Đây là tiền đề, điều kiện nội lực, tạo sức bật để Kiên Giang xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng và quốc gia; từng bước xây dựng hòn đảo ngọc này trở thành thành phố biển-đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Phú Quốc phấn đấu thu hút từ 2-3 triệu khách/năm từ năm 2020 trở đi, trong đó khách quốc tế chiếm 35-40%./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục