Đầu tư trái phiếu, sáp nhập ‘nóng’ mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Cao điểm đại hội cổ đông ngân hàng diễn ra trong những ngày qua với hàng loạt vấn đề nóng như cổ tức, lợi nhuận, đặc biệt là tín dụng cho bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sáp nhập...
Đầu tư trái phiếu, sáp nhập ‘nóng’ mùa đại hội cổ đông ngân hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Tại mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của các ngân hàng, vấn đề được cổ đông quan tâm và chất vấn nhiều nhất là là tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trái phiếu và sáp nhập.

Hé lộ việc sáp nhập

Tại các đại hội vừa diễn ra, cổ đông liên tục đưa ra những chất vấn liên quan đến việc sáp nhập và nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém.

Ở Đại hội đồng cổ đông của MB diễn ra ngày 25/4, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng này cho biết tiếp tục triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc với ngân hàng thương mại. Đây là nội dung mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua năm 2022. Bên cạnh đó, MB sẽ triển khai tiếp các giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.

Cũng theo lãnh đạo MB, tận dụng lợi thế này MB có thể nắm bắt cơ hội tiếp tục tăng trưởng quy mô và mạng lưới hoạt động của tập đoàn. Với nguồn lực chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự quyết tâm của toàn thể đội ngũ, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại, tận dụng hiệu quả các lợi thế để tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc phương án nhận chuyển nhượng đã thực hiện một năm nhưng chưa được nhận chuyển giao, ông Ánh chia sẻ hiện ngân hàng đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình của Nhà nước thì thời gian định giá 11 tháng, đã bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng.

[Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn khủng và nhận chuyển giao ngân hàng]

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vietcombank, trả lời cổ đông, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank cũng cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Đơn vị này đã được phê duyệt chủ trương và đã  trình Ngân hàng Nhà nước phương án cụ thể.

Ngoài Vietcombank, MB, tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch VPBank cho hay ngân hàng này một trong 4 đơn vị tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.

"Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng," ông Dũng tiết lộ.

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào trình cổ đông cũng được “thuận buồn xuôi gió.”

Chiều 21/4, Hội đồng quản trị Ngân hàng Hàng hải (MSB) đã trình cổ đông về việc sáp nhập một ngân hàng thương mại. Theo MSB, việc sáp nhập mang tới hiệu quả hoạt động cao hơn cho ngân hàng khi tận dụng được nền tảng công nghệ, nguồn lực giao dịch hay mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch…

Tuy nhiên, chất vấn tại đại hội, cổ đông MSB băn khoăn về phương thức kinh doanh sau sáp nhập và liệu có phải hạch toán chung khoản nợ xấu hay không cũng như ngân hàng nhận sáp nhập là ngân hàng nào...

Giải đáp những câu hỏi trên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB  khẳng định Hội đồng quản trị và ban điều hành rất thận trọng khi đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó. Trước mắt, xin ý kiến cổ đông rồi hội đồng quản trị sẽ tiếp tục đánh giá để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy vậy, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Do đó, tờ trình về việc sáp nhập này của MSB không được Đại hội cổ đông thông qua.

Trái phiếu, tín dụng bất động sản "ám ảnh" cổ đông

Một vấn đề được cổ đông quan tâm và chất vấn lãnh đạo ngân hàng nhiều nhất nữa là tín dụng bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề này được các cổ đông của Techcombank, VPBank, SHB, ACB, LienvietPostbank, MB chất vấn liên tục tại đại hội.

Tại Đại hội đồng cổ đông SHB, các cổ đông ngân hàng đề nghị ban lãnh đạo giải trình chi tiết danh mục trái phiếu của ngân hàng. Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3-5 năm.

Đầu tư trái phiếu, sáp nhập ‘nóng’ mùa đại hội cổ đông ngân hàng ảnh 2Các cổ đông tham dự tại Đại hội của một ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Hay như tại Đại hội của Techcombank diễn ra mới đây đã có ít nhất 4 cổ đông bày tỏ tỏ lo lắng về các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và muốn nắm rõ tình trạng hiện nay của khoản đầu tư, việc quản lý và chất lượng tài sản đảm bảo cho các khoản đầu tư trái phiếu này.

Trả lời vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cho biết đầu tư trái phiếu doanh nghiệp luôn được ngân hàng quản lý như một khoản vay ngay từ đầu vào, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo... Dù lượng trái phiếu Techcombank tư vấn phát hành ra thị trường rất lớn, song đến nay chưa có bất kỳ trái phiếu nào quá hạn lãi và gốc.

"Năm vừa qua dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản là hai lĩnh vực mà Techcombank gần như mạnh nhất thị trường đều trải qua nhiều khó khăn, nhưng Techcombank đã thể hiện khả năng quản trị rủi ro tốt và kết quả kinh doanh sắp tới sẽ phản ánh rõ điều đó," Chủ tịch Techcombank đánh giá.

Còn về bất động sản, ông Hồ Hùng Anh thừa nhận Techcombank có lượng cho vay lĩnh vực này cao, nhưng đa phần nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Đối với dự án thì Techcombank chọn khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ và vẫn triển khai dù trong giai đoạn khó khăn. Do đó ngân hàng vẫn quản trị được rủi ro và có thu nhập ổn định, chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu vẫn đang kiểm soát tốt.

Những lo lắng của các cổ đông không phải là không có cơ sở khi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn có tăng trưởng khá cao trong những năm vừa qua. Năm 2022, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu bất động sản năm 2022 đã tăng lên mức 1,81%, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 1,67%.

Thống kê cho thấy, năm 2023-2024 là giai đoạn "đỉnh nợ" của trái phiếu doanh nghiệp, riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2023 lên tới 119.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang đi vào một giai đoạn với những biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới. Ngành ngân hàng sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường trái phiếu và bất động sản.

Cũng theo vị chuyên giua này, làn sóng doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ ngày càng lan rộng. Mà đây lại là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản bên cạnh các khoản vay kinh doanh bất động sản thông thường./.

Hiện có 4 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank). Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cũng thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Còn với Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, SCB được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục