Nhiều người hẳn sẽ bàng hoàng khi biết “chàng tây” độc nhất trong ban nhạc rock Ngũ Cung - David Goodman Payne đã “mải mê chinh chiến” hơn 15 năm ở Việt Nam.
Không chỉ là tay bass cừ của nhóm, cùng khả năng nói tiếng Việt như… gió, David Goodman Payne còn gây kinh ngạc bởi tình yêu và sự am hiểu về bản sắc văn hóa vùng miền, đặc biệt là Tết Việt.
Bị “trói” không phải bởi Ngũ Cung
- Anh đã 15 năm gắn bó và lưu lại Việt Nam, và hiện nay là một nhân tố “độc và lạ” của ban nhạc rock khá nổi tiếng. Hẳn mối “nhân duyên” này cũng rất ly kỳ đây…?
David Goodman Payne: À, đúng là một cái duyên rất thú vị (cười)! Nhưng Ngũ Cung không phải lý do "trói" tôi ở lại với Việt Nam như nhiều người vẫn nghĩ. Trước khi chơi trong Ngũ Cung, tôi cũng đã chơi nhạc tự do với các nhạc sỹ khác, và vẫn duy trì những hoạt động gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người trong giới làm nhạc.
Điều dẫn lối cho tôi và các thành viên trong Ngũ Cung đến với nhau cũng từ sau những cuộc gặp gỡ ấy! Bạn biết đấy, “xa mặt thì cách lòng” mà “mưa dầm thì thấm lâu,” chúng tôi gặp nhau nhiều quá, hóa thân nhau và hiểu nhau nên khi chơi cùng ban nhạc rất hợp.
Với Ngũ Cung, tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi được chơi nhạc trong một ban nhạc chuyên nghiệp và có cơ hội trình diễn trong các show đặc biệt như RockStorm, Monsoon, Battle Ship, Huế Festival ...
- Gieo tò mò như một nhân tố “độc và lạ” trong ban nhạc, nhưng cũng chính bởi điều đó khiến nhiều người cho rằng anh chỉ đang “dạo chơi” cùng Ngũ Cung. Hãy nói về điều đó cùng ý nghĩ và niềm hy vọng của anh về con đường âm nhạc của ban nhạc nhé?
David Goodman Payne: Việc ra mắt CD “Cao nguyên đá” mới đây của Ngũ Cung đã trả lời cho phong cách của ban nhạc là khai thác chất liệu văn hóa các dân tộc. Nỗ lực của chúng tôi là tái hiện và làm sống lại những đặc trưng đó bằng âm nhạc khi có riêng hai tác phẩm sử dụng hoàn toàn bằng tiếng dân tộc.
Là thành viên của nhóm nhưng tôi không muốn nói nhiều đến điều này mà muốn khán giả sẽ trải nghiệm qua những sản phẩm của chúng tôi hơn.
- Vậy ở góc độ khán giả, lại là người nước ngoài đã có một thời gian dài lưu lại, tìm hiểu văn hóa Việt Nam thì sao?
David Goodman Payne: Nếu ở góc độ là người nước ngoài, tôi nhận thấy, để khai thác chất liệu văn hóa hay bản sắc các dân tộc vào các sản phẩm, có lẽ chúng tôi cần phải đi nhiều và sâu hơn nữa.
Với quan sát của mình, tôi thấy càng ngày người miền xuôi càng biết đến người miền ngược nhiều hơn so với trước đây - khi người ta đi “phượt” nhiều hơn. Song, nếu đi “phượt” mà vẫn ở khách sạn thì cũng khó "chạm" được đời sống thực sự của các dân tộc vùng cao như thế nào.
- Ồ, anh biết không, tôi rất ngạc nhiên trước những điều anh chia sẻ đấy! Tôi cảm thấy, anh có những quan sát và am hiểu tỉ mỉ về văn hóa của đất nước chúng tôi?
David Goodman Payne: Tôi rất say mê với một số loại âm nhạc truyền thống như hát xẩm. Tôi thích nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu hát. Tôi cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Cải lương tôi cũng rất ấn tượng, cả vọng cổ nữa. Tôi mất khá nhiều thời gian để hiểu và đánh giá cao những âm nhạc này.
Thời gian đầu tôi đến Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam không giàu nhưng rất vui tính và hiếu khách. Và, không hiểu sao nhưng tôi thích sống theo cách của người Việt hơn.
Tôi cũng rất hứng thú với những chuyến đi dã ngoại. Tôi đã có những trải nghiệm tại cao nguyên đá Hà Giang hay gần đây nhất là vùng đất Si Ma Cai. Đến những vùng đất đó, quả thực là trải nghiệm rất tuyệt!
Càng nghèo thì càng rõ Tết!?
- Đã sống ở Việt Nam lâu đến vậy rồi, anh còn cảm giác mình là “khách” ở đất nước chúng tôi nữa không?
David Goodman Payne: Ồ (cười lớn)! Chị hỏi tôi vẫn sực nghĩ tới đấy! Là khách hay người nhà? Điều quan trọng như vậy mà sao tôi chưa bao giờ nghĩ nhỉ!
Bạn bè của tôi ở đây có người nói tôi là người Việt Nam rồi, có người nói một phần trong tôi là người Việt Nam. Và tôi thấy vế sau đúng với mình hơn.
- Một trong những nét đẹp văn hóa cổ truyền của Việt Nam chính là Tết Nguyên đán. Tết cổ truyền Việt Nam làm anh nghĩ tới những điều gì?
David Goodman Payne:
Tôi có đến 9 cái Tết ở Hà Nội, một lần ở Sài Gòn, một lần Đà Nẵng. Nhưng tôi nhớ nhất là năm tôi đón Tết ở Hà Giang. Đó là dịp tôi về quê vợ cậu bạn người Australia trên Hà Giang. Lần đó tôi được ở nhà của người Tày. Vào những ngày đầu năm mới ở đây, có một ngày là ngày của phụ nữ nên đàn ông phải ở nhà trông con còn phụ nữ tụ tập, vui chơi, trẻ em có những hoạt động ngoài trời thú vị như chơi du dây, ném còn. Không chỉ vậy, khi tôi đi "phượt" bằng xe Minsk, lúc dừng xe ở ven đường để chụp ảnh thì bỗng dưng có anh dân tộc xuất hiện mời vào nhà ăn trưa, uống rượu.
Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với những năm đầu tiên ở Hà Nội, khi tôi mới đến Việt Nam. Lúc đó đường phố ngày mồng 1 Tết vắng hoe. Hay đến giờ tôi vẫn chưa quên được hương vị Tết trước năm 1995, khi vẫn còn được nghe tiếng pháo nổ.
- Hình như trong anh có những hoài cổ về hương vị Tết xưa của chúng tôi?
David Goodman Payne: Tôi không rõ nữa! Với tôi, Tết những ngày tôi mới đến Việt Nam đặc biệt hơn bây giờ! Hay khi đã hưởng cái Tết giữa các mảnh đất ở đất nước các bạn tôi cũng nhận ra Tết miền xuôi không còn giữ được không khí như Tết trên miền ngược. Ở thành phố, cận Tết đường phố đông đúc, rợp bóng đào hoa nhưng ở miền núi, không khí Tết nó hây hây ở đôi má các em nhỏ, sự háo hức trong ánh mắt từ già đến trẻ bởi tục lệ “năm mới sắm áo mới.” Những ngày Tết, ở vùng cao cũng nhiều hội hơn, âm sắc cuộc sống rộn ràng và sinh sôi hơn.
Đôi khi tôi cũng nghĩ, hay ở nơi nào cái nghèo càng rõ rệt thì Tết cũng đậm đà, sắc nét hơn!
- Dù vậy, nhưng tôi tin những tinh túy của Tết Việt vẫn còn đó trong mỗi nếp nhà, hồn con dân Việt! Và năm nay, những nẻo đường trên dải đất hình chữ S vẫn giữ được bước chân của “chàng Tây” là anh chứ?
David Goodman Payne: Ồ, là ôn chuyện với chị vậy, tôi vẫn chưa tìm được nơi nào đủ hấp dẫn để rời khỏi Việt Nam hay vắng mặt trong những ngày Tết ở đất nước này.
Hà Nội là một nơi rất tuyệt vời để sống, đặc biệt là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Sau gần 15 năm, Hà Nội đã quá quen thuộc, tôi ở lại đến ngày hôm nay còn vì con trai nhỏ của tôi. Mẹ của cháu là người Việt Nam, vì thế, với tôi, Việt Nam không chỉ là quê hương thứ hai mà còn là nửa giòng máu của đứa con mình.
Tết này, tôi và con sẽ đi Mộc Châu ngắm hoa đào. Mọi năm, tôi được ngắm ảnh của dân “phượt,” cuồng chân lắm rồi.../.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!