Đẩy mạnh chế biến sâu để mở rộng thị tường xuất khẩu cho thịt lợn

Năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp. Ngành chăn nuôi sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu lại còn ít.
Ngành chăn nuôi lợn cần hướng đến các sản phẩm xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngành chăn nuôi lợn cần hướng đến các sản phẩm xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 100 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi phải là "đầu tàu" thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội.

Trung Quốc là thị trường tiềm năng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 409 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với hơn 10.490 tấn, trị giá 50,78 triệu USD, tăng 75,9% về lượng và tăng 16,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, tăng 13,0% về lượng và 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

[Giá thịt lợn thấp, ngành chăn nuôi làm gì trong cơn 'bão kép'?]

Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay Trung Quốc là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất, dự kiến tăng 1,1%, đạt 56 triệu tấn (48,8% toàn thế giới). Nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh đã mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu thịt lợn trên thế giới.

Đẩy mạnh chế biến sâu để mở rộng thị tường xuất khẩu cho thịt lợn ảnh 1Các đại biểu thảo luận về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Lê Thanh Hòa cho hay kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định SPS giữa Việt Nam và các nước khác.

Theo ông Hòa, với tiềm năng lớn về thịt lợn, Việt Nam vẫn đang tìm kiếm hợp tác tại thị trường xuất khẩu. Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%, chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm (chiếm 20-22% sản lượng sản xuất).

Ông Lê Thanh Hòa đề xuất cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn (phẩm cấp, hình thức, an toàn thực phẩm…) các kênh phân phối, tiêu thụ; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu; tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng (từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian); kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong bán hàng trực tiếp và bán hàng online, phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội bán buôn, bán lẻ, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Doanh nghiệp chăn nuôi phải là "đầu tàu"

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Phùng Đức Tiến cho rằng nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Cả năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo ông Tiến, đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 100 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi phải là "đầu tàu" thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn bởi lợn nuôi trong các nông hộ thì không thể xuất khẩu được.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Để xuất khẩu được thì các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau."

Đẩy mạnh chế biến sâu để mở rộng thị tường xuất khẩu cho thịt lợn ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn  nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…

Một số giải pháp chung sắp tới sẽ được áp dụng toàn diện tại các địa phương, đảm bảo đạt mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo đó tập trung vào các hoạt động chính gồm: Tiếp cận xu hướng toàn cầu và thâm nhập thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục