Đẩy mạnh liên kết, tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Bộ

Một trong những giải pháp phát triển du lịch Đông Nam Bộ được 6 địa phương thống nhất thực hiện là tăng cường liên kết, tạo thêm nhiều trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm phục vụ du khách.

Toàn cảnh trung tâm huyện Côn Đảo với bãi biển sạch và các dịch vụ đã sẵn sàng phục vụ du khách. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Toàn cảnh trung tâm huyện Côn Đảo với bãi biển sạch và các dịch vụ đã sẵn sàng phục vụ du khách. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai.

Theo Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực du lịch của Đông Nam Bộ được xác định phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực. Do đó, phát triển mạnh các sản phẩm lợi thế, tăng cường liên kết, hình thành nhiều hành trình, trải nghiệm đang được các địa phương thuộc vùng chú trọng thực hiện.

Phát triển theo chiều sâu, trọng điểm

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng đang đẩy mạnh phát triển nhiều ngành kinh tế có lợi thế, trong đó có du lịch, dịch vụ. Từ lợi thế đô thị đặc biệt, có đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, thành phố tiếp tục nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, thành phố phát triển du lịch theo chiều sâu, đảm bảo hiệu quả, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, duy trì xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, góp phần gia tăng sức thu hút của điểm đến.

Các sản phẩm du lịch được xây dựng, khai thác theo các nhóm, thể hiện rõ điểm đến năng động, nhiều sắc màu gồm: sản phẩm đặc thù (như du lịch đường thủy, du lịch giải trí và hoạt động về đêm, du lịch sự kiện-lễ hội), nhóm sản phẩm chính (như tham quan di tích, du lịch kết hợp sự kiện, du lịch ẩm thực, mua sắm).

Ngoài ra, thành phố còn có nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch y tế, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch golf...

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 39 triệu lượt khách nội địa, trên 7 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; trong đó, các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu.

Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

ttxvn_du lich tphcm.jpg
Dịch vụ xe điện chở khách tham quan, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, đơn vị đã xây dựng, phát hành "Cẩm nang sản phẩm du lịch đặc trưng Thành phố Hồ Chí Minh - những hành trình chạm cảm xúc" giới thiệu đến du khách nhiều hành trình đặc trưng, theo chủ đề và theo hướng “Mỗi quận, huyện một sản phẩm” cùng thông tin đơn vị khai thác, cung cấp các tour.

Cẩm nang mang đến cho du khách nhiều gợi ý hấp dẫn về chuyến du lịch tới các điểm đến theo dòng văn hóa lịch sử, du ngoạn trên sông, trải nghiệm đời sống đô thị, thưởng thức ẩm thực, khám phá vùng đất ngoại thành, hệ sinh thái rừng ngập mặn, nông nghiệp đô thị…

Trong 6 tháng năm 2024, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bứt phá, ước đón khoảng hơn 17 triệu lượt du khách nội địa và trên 2,67 triệu lượt du khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch tăng khoảng 14,6% so cùng kỳ năm 2023.

Tăng liên kết, tạo nhiều hành trình

Năm 2023, 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã đón trên 65 triệu lượt du khách, chiếm trên 54% tổng lượng khách du lịch của cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, du lịch Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tiềm năng cần được khai thác hiệu quả hơn.

Trước thực tế này, các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh liên kết, tạo nhiều sản phẩm, hành trình du lịch hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh cho du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng.

Một trong những giải pháp được 6 địa phương thống nhất thực hiện là tăng cường liên kết, tạo thêm nhiều trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm phục vụ du khách.

ttxvn_nui ba den.jpg
Đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh hút khách du lịch với nhiều công trình ấn tượng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Các địa phương thuộc vùng đẩy mạnh nhiều hoạt động liên kết với phương châm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương; đồng thời, tạo không gian du lịch thống nhất của vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ: phát triển khu vực động lực phát triển du lịch của vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh-Bà Rịa-Vũng Tàu; phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Cùng với đó, giải pháp quan trọng được đề ra là tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch trên cơ sở liên kết về tài nguyên nổi bật và hệ thống giao thông kết nối; đẩy mạnh các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng gắn kết các sản phẩm độc đáo của các địa phương.

Vì vậy, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường triển khai các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các vùng trong cả nước; trong đó có vùng Đông Nam Bộ (thành phố đóng vai trò hạt nhân, đầu tàu).

Thành phố đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết với thời gian lưu trú tối thiểu 2 ngày; đồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng xây dựng hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ vùng Đông Nam Bộ, các thông tin quảng bá điểm đến bằng 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh, Nga, Pháp, Trung), qua đó tăng cường lan tỏa, quảng bá du lịch từng địa phương và toàn vùng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, là địa phương hội tụ nhiều tài nguyên, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, giải trí, ẩm thực gắn với biển, đảo, tỉnh tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát, kết nối với các địa phương trong cụm để tìm hiểu, khai thác đậm nét hơn các điểm đến du lịch tại các địa phương; trong đó có huyện Côn Đảo, kết nối các tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, biển đảo.

ttxvn-du-lich-ba-ria-vung-tau-5882.jpg
Du khách xuống tàu để tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Tỉnh đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát sản phẩm tại các điểm đến ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; tập trung vào các sản phẩm du lịch đường sông, tham quan làng nghề truyền thống, trang trại, di tích văn hóa, lịch sử.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết với vị trí cửa ngõ, kết nối giữa Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, cửa khẩu kết nối với nước bạn Campuchia…, Bình Phước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kỳ vọng cùng toàn vùng thúc đẩy du lịch Đông Nam Bộ có bước tiến mới.

Đẩy mạnh liên kết, phát triển sản phẩm, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, tổ chức hiệu quả các tuyến du lịch với các sản phẩm đặc trưng theo tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 13, ĐT 741; đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế: Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan.

Tỉnh xây dựng tour “Một ngày-bốn quốc gia”; trong đó điểm đến di tích Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm trung tâm-điểm dừng chân trong hành trình xuyên Á, kết nối các điểm đến trên tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan.

Du lịch Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 đón 1,7 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế chiếm 3,2-4% tổng lượng du khách, đồng thời, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh đạt bình quân 1,15 ngày/khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục