Để giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập với quốc tế

Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” với hơn 26 tham luận thảo luận về nghiên cứu khoa học và đào tạo chuẩn quốc tế.
Ngày 9/11, Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế,” nhằm thảo luận những cơ hội và thử thách đang đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế và bàn thảo những giải pháp chiến lược.

Hơn 26 tham luận của các đại biểu là các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý giáo dục và các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã được gửi về hội thảo, trong đó tập trung thảo luận chủ đề về nghiên cứu khoa học và đào tạo chuẩn mực quốc tế.

Thuyết trình tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia, cho biết nghiên cứu khoa học là một yếu tố có liên quan chặt chẽ đến kinh tế tri thức và ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của một đại học trên thế giới.

Từ năm 1970-2011, Việt Nam công bố hơn 10.000 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế, nhưng con số này chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia.

Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn các nước trong khu vực. Hiện phần lớn những ấn phẩm khoa học công bố quốc tế của Việt Nam tập trung vào ngành y sinh học, vật lý và toán học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo giáo sư Tuấn, chủ yếu do các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học chưa có những quy định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Hệ thống đề bạt giáo sư vẫn còn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa,” chưa quan tâm đúng mức đến mức độ đóng góp của các công trình đăng trên các tập san khoa học quốc tế. Vì thế, nhiều biện pháp đã được các đại biểu bàn thảo, trong đó cần tăng cường ngân sách và phân phối tài trợ cho nghiên cứu; xác lập những chuẩn mực đánh giá khoa học phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích các nhà khoa học công bố quốc tế; đồng thời có chính sách đãi ngộ nhà khoa học và lập ra những tập san khoa học bằng tiếng Anh.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Tiến Hiệp, đại diện trường University Preparation College Sydney tại Việt Nam cũng nêu thực trạng vì sao đại học Việt Nam lại khó hội nhập quốc tế, trong đó việc hạn chế sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và học tập là trở ngại lớn nhất trong hội nhập.

Một số trường đại học Việt Nam chưa nắm được đầy đủ thông tin về nền giáo dục của nước muốn làm đối tác và trường đối tác.../.

Gia Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục