Đề nghị EU dành ngân sách lớn cho nông nghiệp

Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết đề nghị EU tiếp tục dành ngân sách lớn nhất cho khu vực nông nghiệp.
Tại cuộc họp ngày 8/7, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc về pháp lý, đề nghị Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục dành ngân sách lớn nhất cho khu vực nông nghiệp của khối này.

Đây là tín hiệu cho thấy cơ quan lập pháp EU sẽ phản đối kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) cải cách triệt để chính sách nông nghiệp chung (CAP) từ năm 2013.

Nghị quyết nêu rõ vì CAP sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức và phải theo đuổi những mục tiêu lớn hơn sau năm 2013, ngân sách dành cho nông nghiệp ít nhất phải đảm bảo mức độ hiện nay là 40% tổng ngân sách hàng năm của EU từ nay đến năm 2020.

EP đề nghị duy trì cơ cấu hai trụ cột hiện nay của CAP, bao gồm nguồn tài chính của chính phủ mỗi nước thành viên cấp trực tiếp cho nông dân và nguồn trợ giúp từ ngân sách chung của EU nhằm thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn.

EP đồng thời đề nghị cải thiện việc phân bổ ngân sách nông nghiệp cho những quốc gia thành viên gia nhập tổ chức này từ năm 2004 theo hướng không "cào bằng" nhưng phải "công bằng."

Chủ tọa cuộc họp, nghị sĩ George Lyon cho biết trước khi bỏ phiếu, hai nước lớn trong EU là Pháp và Đức cùng một số nước thành viên khác đã vận động những nước còn lại thông qua nghị quyết này.

EC dự định công bố kế hoạch cải cách CAP vào tháng 6/2013, thời điểm cơ quan này phải công bố ngân sách chung của EU giai đoạn 2014-2020.

Nghị sĩ Lyon dự đoán khu vực nông nghiệp của EU sẽ không thoát khỏi kế hoạch cắt giảm mạnh đã được công bố trong toàn khu vực.

Cùng ngày, EP đã thông qua thỏa thuận về chia sẻ với Mỹ những dữ liệu tài chính liên quan các nghi can khủng bố, mở đường để thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 1/8 tới với thời hạn 5 năm.

Thỏa thuận cho phép giới chức hữu quan Mỹ tiếp cận các dữ liệu tài chính tại các ngân hàng của EU nếu nghi ngờ tài khoản nào tại các ngân hàng này được các đối tượng liên quan mạng lưới khủng bố sử dụng.

Tuy nhiên, phía Mỹ phải giải thích lý do nghi ngờ và phải để cho Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và các đại diện khác của EU giám sát việc sử dụng thông tin tài chính trong quá trình điều tra khủng bố.

Thỏa thuận cũng cho phép các công dân EU kiện lên các tòa án hoặc cơ quan Chính phủ Mỹ trong trường hợp dữ liệu của họ bị thay đổi hoặc bị sử dụng không đúng mục đích. Đây là sự nhượng bộ lớn từ phía Mỹ sau nhiều tuần thương lượng để đổi lấy sự chấp thuận của EP.

Các nhà điều tra Mỹ bắt đầu theo dõi nguồn tài trợ khủng bố sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở nước này ngày 11/9/2001.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các dữ liệu tài chính đã thổi bùng tranh cãi trong EU do những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục