Đề ra 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 6-6,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%...

Để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 9 nhóm giải pháp chủ yếu gồm:

Thứ nhất: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Thứ hai: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ ba: Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ tư: Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ năm: Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ sáu: Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ bảy: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ tám: Bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị, xã hôi; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Thứ chín: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết này của từng Bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2013.

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả

Giải pháp đầu tiên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh, giữ bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP.

Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013...

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu

Trong nhóm giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh bao gồm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, xử lý hiệu quả nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hành tồn kho; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp phù hợp để tăng khả năng tiếp cận, vay vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả. Mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam. Tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo khách hàng và đối tượng vay (loại hình tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mức độ rủi ro,...); từng bước phát triển thị trường mua bán nợ.

Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu, xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường bất động sản (như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở…). Hoàn thiện chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai.

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án xử lý nợ xấu trong phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân

Nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân đề ra các nội dung: tăng cường tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động; thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phát triển thanh niên, chăm sóc trẻ em, bảo đảm bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số chính sách cần và có thể điều chỉnh ngay về chế độ tiền lương, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hưu trí và người có công nhằm sớm khắc phục những bất hợp lý nổi cộm hiện nay trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách.

Xây dựng Đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công đến năm 2020, trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XI. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, kinh phí quản lý hành chính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục