Kết thúc môn thi Hóa học khối B của kỳ thi đợt 2, nhiều sỹ tử nhận định, đề Hóa khó hơn khối A. Đề thi có tính phân loại thí sinh cao, với nhiều câu hỏi hóc búa. Cầm đề bài trên tay, thí sinh Phạm Nhật Hòa (Tuyên Quang) cho rằng, đề Hóa năm nay bám khá sát chương trình trung học phổ thông. Nội dung chủ yếu tập trung vào hóa hữu cơ và vô cơ. Theo Hòa, đề thi có 40 câu chung với phần lý thuyết có một số câu hỏi khá dễ để thí sinh dành điểm. Những câu hỏi này chủ yếu là “soi” lại kiến thức của lớp 11 và 12. “Khá nhiều bạn trong phòng đều làm rất tốt các câu hỏi lý thuyết trắc nghiệm, trong đó phần vô cơ được xoay nhiều nhất về các chuỗi phản ứng, liên kết… Nhiều câu lý thuyết có phần đáp án dễ bị ‘đánh lừa’ vì kết quả na ná khiến thí sinh không tỉnh táo sẽ dễ bị nhầm,” Hòa cho biết. Đề cập đến phần bài tập, Hòa cũng như nhiều sỹ tử khác đều “ngán” với phần tính tỷ lệ phần trăm bởi đây là dạng đề rất khó, phần tính toán phức tạp và đòi hỏi học sinh học lực khá giỏi mới có thể làm tốt. Cũng theo cậu học sinh quê Tuyên Quang này, trong quá trình thi tốt nghiệp, học sinh đã được “tập dượt” thi môn này và nhiều dạng đề được các thầy cô hướng dẫn ôn luyện. Tuy nhiên, sỹ tử vẫn không thể đạt được điểm số cao vì phần bài tập có một số câu thực sự phân loại thí sinh. “Phần hóa hữu cơ có bài tập khá nhẹ. Vì vậy, đa số các sỹ tử đều thở phào và cố gắng ‘nhặt nhạnh’ điểm số. Riêng hóa vô cơ là một ‘cửa ải’ quá sức với thí sinh bởi chỉ thí sinh nào được luyện các dạng đề khó thường xuyên trước khi thi mới có thể ‘ẵm’ trọn điểm số môn này,” Hòa thành thật.
Cặm cụi làm bài nhưng nhiều em vẫn không thể hoàn thành tốt bài thi. (Ảnh: TTXVN)
Cùng chung quan điểm này, em Đinh Thị Thu Hằng, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Yên 1 (Bắc Giang) vẫn chưa hết run sau khi làm xong môn thi. Dù đã thi khối A vào trường Đại học Bách Khoa trước đó vài ngày và đã có kinh nghiệm phân bổ thời gian làm bài, Hằng vẫn “giật mình” vì đề Hóa có phần khó hơn rất nhiều so với kỳ thi trước đó. Theo Hằng, đề thi năm nay tương đối dài nên em và các bạn gần như không dư thời gian. Em phải khoanh hên xui khoảng 10 câu, nhưng phần đã làm thì em tin chắc là ít câu sai. “Thời gian thi chỉ có vỏn vẹn 90 phút là hơi 'căng' cho việc phân bổ thời gian làm bài cho thí sinh. Em chỉ chắc chắn làm đúng được 70%, gần đến gần cuối giờ, một số câu chưa chắc chắn với đáp án nên em cũng phải ‘liều’ tích vào kết quả và hi vọng ăn may,” Hằng ngậm ngùi nói. “Hóa học là một trong các môn mà thí sinh rất ‘khoái’ khi thi đại học. Nhiều bạn dù đã tham khảo cách ra đề của những năm trước đó để có thể khoanh vùng ôn luyện nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì đề Hóa năm nay khó ‘nhằn’ hơn nhiều so với mọi năm,” Hằng đánh giá. Ở nhiều cổng trường, một số thí sinh vẫn nán lại để trao đổi, hỏi nhau về đáp án sau khi đã hoàn thành môn thi. Tại điểm trường Đại học Mở Hà Nội, em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Nam Định) đang tranh luận sôi nổi với một cô bạn thân cùng trường về đáp án. Tuấn Anh bảo, đề Hóa năm nay thí sinh học lực khá may lắm làm được 70% bài. Đề thi có sự phân hóa rõ ràng. Đọc đề xong, thí sinh cũng sẽ tự lượng sức mình với những câu về vô cơ thật sự hóc búa. “Chỉ có khoảng 20% câu tính toán hơi khó và đòi hỏi người làm phải đọc kỹ tránh bị ‘bẫy’ khiến nhầm dạng bài. Do vậy, môn Hóa năm nay chắc chắn sẽ có rất ít điểm 10,” Tuấn Anh nói. Như vậy, trong khi các thí sinh khối C, D vẫn đang miệt mài làm bài thi môn Ngữ văn thì các sỹ tử khối B đã hoàn tất kỳ thi đại học đợt 2 với cả ba môn Toán, Hóa, Sinh. Trong ba môn thi, chỉ có môn Toán được đánh giá là dễ, các môn Sinh học và Hóa học đều được các em cho là "khó nhằn". Chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đáp án chính thức các môn thi./.
Nhóm PV (Vietnam+)