Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả thêm nhiều khoản chi phí cho ghép mô tạng

Chi phí ghép tạng hiện nay vượt mức chi trả của nhiều gia đình bệnh nhân, nhất là với người bệnh nghèo. Do đó, cần có chính sách chi trả nhiều hơn để tăng số người được tiếp cận với ghép tạng.

Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ghép tạng đòi hỏi số tiền lớn, mặc dù chi phí thực hiện ca ghép ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới. Trước thực tế nhiều bệnh nhân có chỉ định ghép tạng nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều chuyên gia đề xuất chi trả nhiều hơn từ Quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn xã hội hóa.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng, do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức chiều 12/6.

Vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là chi phí ghép tạng hiện nay vượt mức chi trả của nhiều gia đình bệnh nhân, nhất là với người bệnh nghèo. Do đó, cần có chính sách chi trả nhiều hơn để tăng số người được tiếp cận với kỹ thuật ghép tạng, kéo dài sự sống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong lĩnh vực ghép tạng, thế giới có kỹ thuật gì, Việt Nam đều có với nhiều thành tựu và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm. Tuy nhiên, lượng mô tạng hiến chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế. Một nguyên đó là thể chế chính sách chưa toàn diện. Tiếp đó là công tác vận động chưa được xây dựng và hoàn thiện, hoạt động điều phối của các bệnh viện chưa chặt chẽ.

Hiện mới có 23 bệnh viện tuyến trung ương có tổ tư vấn và tổ này không có cơ chế cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động là rất cần thiết, để sớm có hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, lượng người hiến sống ở Việt Nam vẫn chiếm 95%, trong khi ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc… hơn 50% nguồn hiến đến từ người chết não.

Gần đây mới có sự chuyển biến, có sự vận động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sau sự kiện Thủ tướng đến Bệnh viện Việt Đức vận động hiến tạng đồng thời Thủ tướng và gia đình cũng đăng ký hiến tạng, lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên gần 10.000 người. Điều này cho thấy vai trò của người vận động là cực kỳ quan trọng.

Tại hội nghị, Phó giáo sư Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng tổ tư vấn hiến mô tạng tại các bệnh viện và chi phí tư vấn, điều phối. Chí phí cho người bệnh ghép và thuốc chống thải ghép theo thời gian sẽ rẻ hơn lọc máu, chạy thận nhân tạo.

Do đó, để chuyên ngành ghép phát triển hơn, bền vững hơn, công bằng hơn, giảm giá điều trị bệnh nhân bệnh, cần thiết thành lập tổ tư vấn tại các bệnh viện có nguồn chết não tiềm năng hiến cũng như cần xây dựng chi phí cho các hoạt động tư vấn, điều phối…

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng, ca ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện này có chi phí 1,3 tỷ đồng, ca thứ 2 là 1,1 tỷ đồng. Đây là số tiền vượt quá khả năng chi trả của gia đình bệnh nhân nên để thực hiện được những ca ghép này, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phải hỗ trợ chi phí gần 1 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, với chi phí ghép gan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành- Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết tổng chi phí 1 ca ghép gan khoảng độ 1 tỷ đồng, những bảo hiểm y tế chỉ chi trả khoảng độ 200 triệu đồng, đấy là với bệnh nhân được hưởng 100%. Còn nếu bệnh nhân không được 100% thì phần bảo hiểm thanh toán chỉ có 163 triệu. Như vậy mức chi trả cho bệnh nhân ghép gan hiện nay rất là thấp.

Ngoài chi phí để thực hiện kỹ thuật ghép tạng, còn có các chi phí cho hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng. Những chi phí này chưa được xây dựng thống nhất ở nước ta, khiến các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán, đặc biệt là đối với các bệnh viện có ca hiến tạng.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia và các cơ sở y tế chuyên ghép tạng đưa ra các ý kiến đóng góp, thảo luận, từ đó Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cũng như Bộ Y tế sẽ có thêm cơ sở để xây dựng các chế độ, chính sách khoa học, thực tiễn, hiệu quả đối với việc hiến, lấy và ghép tạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục