Đề xuất điều tra, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ngày 21/11, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung tờ trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; định kỳ cập nhật thông tin, dữ liệu và công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ.

Trong đó, kế hoạch ưu tiên phục hồi các sinh cảnh tập trung vào các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư như: Voi, sao la, mang trường sơn, thỏ vằn trường sơn, rùa trung bộ, rùa hộp trán vàng miền trung, gà lôi lam mào trắng, sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp...

Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo tồn các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ là nhiệm vụ của toàn xã hội, bao gồm các cấp, ngành, tổ chức, cộng đồng và mọi người dân.

Mục đích của chương trình bảo tồn là đảm bảo không có thêm loài ưu tiên bảo tồn bị tuyệt chủng. Do vậy, 100% các loài ưu tiên bảo vệ phải có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Để đảm bảo công tác bảo vệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương (như kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, kiểm dịch động vật, cảnh sát biển và tài nguyên và môi trường) là rất quan trọng và cần phải được tăng cường hơn nữa.

Trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật là tập trung ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo và tiêu thụ trái phép và các sản phẩm của loài ưu tiên bảo vệ, dụng cụ săn bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã.

bao ton 1.jfif
Lực lượng chức năng, người dùng “song kiếm hợp bích” vì Tương lai Xanh. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Trước đó, từ ngày 7-11/11/2023, Báo Điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài phóng sự điều tra “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” phản ánh tình trạng buôn bán, tuồn lậu thú rừng từ Lào về Việt Nam thông qua các đường dây vận chuyển lắt léo, ma mãnh, thậm chí có sự “thỏa thuận ngầm” với cán bộ cơ quan quản lý có liên quan để “hàng rừng” được thông suốt bằng con đường chính ngạch.

Nguồn thú rừng trên sau khi được tuồn lậu qua các cửa khẩu quốc tế (như Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo), lại tiếp tục được các con buôn phân phối “độc quyền” bằng xe khách, xe tải, để đưa tới các nhà hàng, bàn nhậu trên cả nước, bất chấp Chính phủ đã ban hành rất nhiều quy định cũng như lệnh cấm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; cũng như nguy cơ có thể phát tán lây lan dịch bệnh ra cộng đồng...

Ngay sau loạt bài, ngày 13/11, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có công văn gửi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đề nghị phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương (đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) tổ chức thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Mới đây, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan loạt bài phản ánh khẩn trương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật tăng cường hợp tác cùng lực lượng chức năng của Lào để triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và truy quét, triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động 2 vật hoang dã liên biên giới.

Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật liên quan tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cần đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh, tụ điểm buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan.

Ngoài ra, ủy ban nhân dân các tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật; công khai thông tin các vụ vi phạm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm và khuyến khích người dân thông báo các hành vi có dấu hiệu vi phạm tới các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục