Đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Việt-Trung

Tính đến sáng 21/12, có hơn 6.300 xe hàng hóa đang bị tồn ở các cửa khẩu để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi ở phía Trung Quốc, lượng phương tiện còn tồn là khoảng 3.000 xe.
Đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Việt-Trung ảnh 1Xe chờ thông quan hàng hóa tại bãi xe Cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Trước tình trạng ùn tắc đang diễn ra tại các cửa khẩu đường bộ Việt-Trung, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số biện pháp cải thiện tình hình.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề

Theo Ban IV, tính đến sáng 21/12, có hơn 6.300 xe hàng hóa đang bị tồn ở các cửa khẩu để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi ở phía Trung Quốc, lượng phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn là khoảng 3.000 xe.

Tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc hiện chỉ còn 6 trong 71 cửa khẩu, lối mở còn mở cho hàng hóa thông quan. Năng lực thông quan của các cửa khẩu cũng giảm đáng kể, điển hình như tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã giảm 4,5 lần so với bình thường, chỉ còn khoảng 100 xe/ngày (bình thường là khoảng 450 xe/ngày); trong khi tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ thời điểm ngày 21/12, do thành phố Đông Hưng của Trung Quốc tạm thời đóng cửa, xét nghiệm COVID-19 toàn thành phố để truy vết F0 nên năng lực thông quan cũng gần như bằng không.

Theo thông tin của doanh nghiệp, sáng 23/12, tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, phía Trung Quốc tiếp tục gia tăng các biện pháp thắt chặt phòng ngừa dịch bệnh. Cụ thể, theo yêu cầu của Ban Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Quốc vụ viện Trung Quốc, từ ngày 24/12, lái xe Việt Nam (và các lái xe nước ngoài nói chung) đều không được phép vào biên giới Trung Quốc. Điều này dẫn tới số lượng hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Hữu Nghị có khả năng tiếp tục sụt giảm hơn nữa trong bối cảnh tất cả các bến bãi tại các cửa khẩu đều đã quá tải do lượng xe tắc cả ở chiều đi và chiều về, không thể bố trí thêm.

Tình trạng ùn tắc dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới do khả năng thông quan đã giảm tới mức tối thiểu và phía bạn không có kế hoạch mở lại các cửa khẩu trong thời gian ngắn tới đây, trong khi số xe hàng hóa dồn về các cửa khẩu tiếp tục tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do phía Trung Quốc vẫn đang kiên quyết thực hiện chính sách “không có COVID” nên chính quyền các tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam, Lào, Myanmar đều tăng cường biện pháp kiểm soát chặt dịch bệnh trên người và hàng hóa, trong đó có chính sách “đóng biên tức thời” nếu phát hiện ra bất cứ trường hợp nào là lái xe hay các nhân viên giao dịch tại các khu vực cửa khẩu của một trong hai nước bị nhiễm SARS-CoV-2, Ban IV cho biết.

Phân tích tác động, ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực kinh tế Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết hiện nay, mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là hàng nông sản và thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trong 8 tháng năm 2021 đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 34% trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sang Trung Quốc (4,9 tỷ USD).

[Cần điều tiết hàng hóa ngay từ đầu nguồn để giảm ùn tắc biên giới]

Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thiệt hại về tiền hàng lên đến 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu đồng/xe với tình hình ách tắc hiện tại).

Trong bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.

Ngoài ra, tình trạng quá tải ở mọi bến bãi, cửa khẩu cộng với tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, đặc biệt là hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (như lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với ván bóc, gỗ bóc…) mà hiện các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.

Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn nhất Việt Nam cho biết do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch mà lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%).

"Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp này thì mức độ rủi ro bị chậm hàng, dừng hàng vẫn rất cao, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu phải dừng dây chuyền sản xuất," bà Thủy nói.

Trao đổi cấp cao để tháo gỡ nút thắt

Trước thực trạng trên, Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp cấp bách. Nhìn nhận rằng do các cuộc đàm phán cấp địa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã được tổ chức nhưng chưa thể giải quyết được vướng mắc đối với hàng hóa hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu, bao gồm cả hàng nông, thủy sản ở diện “muốn xuất đi” và linh kiện điện tử, hàng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất “muốn nhập về," Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất, nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ban IV đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ xem xét trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để bố trí cửa khẩu thông quan riêng cho hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước; phối hợp lực lượng chuyên môn hai nước để bàn giao theo đợt, giải phóng các xe hàng, container, tài xế đang “kẹt” tại cửa khẩu hai bên.

Đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Việt-Trung ảnh 2Hàng trăm xe hàng nối đuôi nhau trên cầu Bắc Luân II - cửa khẩu Móng Cái chờ xuất, nhập cảnh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Bên cạnh đàm phán, Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch tại khu vực đệm này, nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc dịch ngay tại đầu vùng đệm, không để xảy ra tình huống phát hiện người mắc COVID-19 ở điểm giáp biên dẫn tới hành động “đóng biên tức thời” của phía Trung Quốc.

Với những điều kiện thuận lợi về địa lý, cơ sở hạ tầng, Ban IV đề xuất triển khai thí điểm mô hình vùng đệm tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả sơ kết mô hình vùng đệm thí điểm sẽ là cơ sở để áp dụng tại địa bàn khác có cửa khẩu thông quan hàng hóa với Trung Quốc.

Đối với hàng nông sản sắp thu hoạch và chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ trong dịp cận Tết, Ban IV đề xuất với Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu.

Cùng với đó, cần thiết lập kênh thông tin, liên lạc thông suốt để điều tiết lượng hàng nông sản lên các cửa khẩu ở mức độ vừa phải, tránh đẩy hoàn toàn áp lực cho các tỉnh biên giới; khẩn trương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể, huy động đồng thời sự hỗ trợ từ các kênh báo, đài trong nước để khởi động gấp rút chiến dịch tuyên truyền “Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt” vào dịp cận Tết.

Song song với các biện pháp cấp bách trước mắt, Ban IV và các hiệp hội cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương đẩy mạnh các hội nghị xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tìm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Các địa phương cũng cần kết hợp với các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân, doanh nghiệp thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Trong dài hạn, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt mở rộng, tăng diện tích các kho bãi, địa điểm tập kết cho hàng hóa và xe vận tải hàng hóa làm thủ tục thông quan thuận lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục