Đề xuất hướng nghiên cứu vấn đề thiết thực của VN

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới đề xuất những hướng nghiên cứu mới và giải đáp những vấn đề thiết thực của Việt Nam.
Ngày 9/9, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh trong 30 năm xây dựng và phát triển, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới đã có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là luôn xây dựng, đề xuất những hướng nghiên cứu mới như vấn đề an ninh phi truyền thống, hội nhập khu vực giữa nhóm các quốc gia, giải đáp những vấn đề thiết thực của Việt Nam.

Các công trình nghiên cứu của Viện đã thể hiện tính hệ thống, toàn diện và thực tiễn, luôn có sự gắn kết giữa những vấn đề do thực tiễn phát triển của Việt Nam đặt ra với những xu hướng phát triển chủ đạo của nền kinh tế và chính trị thế giới. Hầu hết các công trình nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài nhằm vào giải đáp những vấn đề cấp bách của Việt Nam, vì vậy có ý nghĩa tham khảo tích cực.

Phó giáo sư-tiến sỹ Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để vượt qua những khó khăn, cản trở đối với sự phát triển hiện tại, đồng thời cũng bước vào giai đoạn đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới biến động phức tạp và khó lường, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đang đứng trước yêu cầu phải có đóng góp nhiều hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn cho nền khoa học xã hội và sự phát triển của đất nước.

Bởi vậy, giai đoạn đến năm 2020, Viện sẽ tập trung nghiên cứu và dự báo các đặc điểm, xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới trong đó đặc biệt chú trọng đến các vấn đề xu thế toàn cầu và hội nhập quốc tế, tiến triển của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, các vấn đề toàn cầu, sự thay đổi tương quan lực lượng, cục diện và trật tự kinh tế và chính trị thế giới và những tác động về mặt kinh tế và chính trị của các xu thế trên đối với các quan hệ quốc tế và sự phát triển của các quốc gia.

Viện cũng nghiên cứu động thái và đặc điểm của các quan hệ kinh tế quốc tế như thương mại quốc tế và tương lai của các vòng đàm phán Doha, sự dịch chuyển và quản lý các dòng vốn quốc tế, sự di dân quốc tế; sự tiến triển của các thị trường tài chính tiền tệ, các đồng tiền chủ chốt và tác động của chúng đến quốc tế, khu vực và đặc biệt là Việt Nam.

Viện cũng nghiên cứu các lý thuyết, mô hình, chiến lược và chính sách phát triển của các quốc gia, từ các nước lớn đến các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; cũng như vị thế và vai trò của các thể chế của nền kinh tế và chính trị thế giới, từ các nhà nước quốc gia đến các tổ chức quốc tế và các khu vực, công ty xuyên quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, vấn đề đang đặt ra và chiều hướng cải cách của các tổ chức này.

Bên cạnh đó, Viện tập trung vào các tác động của những xu hướng phát triển lớn, những diễn biến kinh tế và chính trị trên thế giới đối với Việt Nam, quá trình cải cách, hội nhập của Việt Nam vào đời sống kinh tế và chính trị quốc tế và khu vực, đặc biệt là việc thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục