Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí tại trạm thu phí Km42+730 tuyến Quốc lộ 6 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) từ ngày 5/10 tới.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết, theo hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông Vận tải, tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác vào ngày 31/7 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/8/2015.
“Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình đã hoàn thành đưa vào khai thác từ trước ngày 30/4/2015. Riêng hạng mục trạm thu phí đến giữa tháng 9/2015 mới hoàn thành được do địa phương mới bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai từ ngày 22/7 vừa qua. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận đưa công trình tuyến Quốc lộ 6 vào khai thác, sử dụng,” ông Bùi Quang Bát khẳng định.
Theo vị Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình, Công ty đã tuyển chọn nhân sự cho trạm thu phí, các phương án tổ chức quy trình thu theo ca, kíp... đồng thời doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác như in vé, đồng phục nhân viên thu phí, tuyên truyền… dự kiến tổ chức thu thử từ ngày 25/9 tới đây.
Đến nay, dự án đã đủ điều kiện để tổ chức thu phí theo quy định, vì vậy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình đề nghị chấp thuận cho nhà đầu tư được tổ chức thu phí tại trạm thu phí Km42+730 tuyến Quốc lộ 6 chính thức từ ngày 5/10/2015.
Theo Thông tư 122/2015/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km42+ 730 Quốc lộ 6:
1. Mức thu kể từ ngày được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí đến hết ngày 31/12/2015:
2. Mức thu kể từ ngày 1/1/2016 trở đi:
Tuyến đường Quốc lộ 6 Xuân Mai-Hòa Bình từ Km38+00 đến Km70+932,47 có tổng chiều dài 30,36km được thiết kế trên cơ sở cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và miền núi; tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường và chi phí giải phóng mặt bằng.
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, nâng cao mức độ phục vụ của Quốc lộ 6, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, giảm khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình...
Chủ đầu tư dự án là liên doanh giữa Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc./.