Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế để đóng góp ý một số nội dung quan trọng liên quan đến đời sống người lao động ngay trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động song hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện rất ít, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân lao động dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế.
[Có nên luật hóa quy định về tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh?]
Đối với việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được dự thảo Luật thay đổi theo hướng từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá sẽ khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ cũng như chất lượng của dịch vụ.
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu, xem xét, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kể cả với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá./.