Ngày 23/8, triển lãm “Màu sắc và hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội, giới thiệu các tác phẩm tranh, ảnh, thư pháp và đồ thủ công mỹ nghệ Iran.
Triển lãm gồm hai phần, khái quát nền nghệ thuật truyền thống Iran (nền văn minh cổ đại Ba Tư), thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc của các nghệ nhân Ba Tư và kể những câu chuyện về di sản và sự phát triển của văn hóa Iran.
Khu trưng bày tranh, ảnh, thư pháp giới thiệu họa tiết hoa sen tại Quần thể Cung điện Persepolis được xây dựng theo lệnh của Darius Đại Đế (518-465 TCN) và tiếp tục được hoàn thiện với Hoàng đế Xerxes I (550-486 TCN); các tác phẩm tranh tiểu họa của họa sỹ bậc thầy Mahmoud Farshchian.
Khu trưng bày 100 tác phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện cho khoảng 10 loại hình nghệ thuật của Iran bao gồm: Chạm khắc đồng (Qalam-zani), pháp lam hay nghệ thuật tráng men (Minakari), dệt thảm (Qali bafi), khảm Ba Tư (Khatam-kari); khảm đá ngọc lam trên đồng (Firouze-kubi), in họa tiết trên vải (Qalam-kari), thêu đính đá (Sermeh-doozi), dệt vải thủ công (Termeh-bafi), vẽ trang trí trên đồng (Mes-o-pardaz).
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Ali Akbar Nazari, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bày tỏ hy vọng rằng triển lãm sẽ giúp công chúng Việt Nam có thêm nhiều thông tin về di sản nghệ thuật của Iran, từ đó mở ra cơ hội giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa nhân dân hai nước, góp phần thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia.
“Iran đóng góp vào sự phong phú của nghệ thuật và văn hóa thế giới, bao gồm vô số các biểu đạt nghệ thuật, từ nghề dệt thảm đến tranh tiểu họa Ba Tư, đồ gốm đến kiến trúc, âm nhạc đến thư pháp, khatam-kari đến men thủy tinh và khảm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ của Iran là những công cụ quảng cáo tuyệt đẹp và vô song đại diện cho di sản văn hóa của Iran. Thật tự hào khi nói rằng Iran có số lượng thành phố và thị trấn thủ công được Hội đồng Thủ công mỹ nghệ Thế giới (WCC) công nhận nhiều nhất với 14 địa danh,” Đại sứ cho biết.
Theo đó, triển lãm này được tổ chức với mục đích giới thiệu sự kết hợp hài hòa giữa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị và các bức ảnh thể hiện vẻ đẹp đặc biệt của nghệ thuật Iran, thu hút người xem bởi sự thanh lịch, hoa văn và thiết kế.
“Du khách có thể trải nghiệm những điển hình nghệ thuật cổ đại của Iran và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Iran vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay, để đắm mình vào thế giới nghệ thuật Iran qua các hoa văn và hoạ tiết định hình nên bản chất văn hóa của chúng tôi,” Đại sứ bày tỏ.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 8/9 tại Bảo tàng Hà Nội./.
Bảo tàng Hà Nội trưng bày hơn 100 hiện vật, tài liệu về hình tượng Rồng
Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc hai trưng bày “Năm Thìn kể chuyện Rồng” và “Phong vị Tết xưa Hà Nội” để chào đón năm mới Giáp Thìn-2024.
Một số hình ảnh tại triển lãm: