Đến Berlin xa xôi, nghe cất lên giọng ca quan họ

Thong thả từng câu, từng chữ đối lời với các giọng ca chuyên nghiệp, cứ ngỡ Hoàng Lê đã quen hát sân khấu nhuần nhuyễn lắm!
Một ngày tháng 9/2011, tình cờ tôi đến Ngôi nhà Việt (Viethaus - Berlin) đúng vào dịp đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh do Nghệ sĩ ưu tú Thúy Hường dẫn đầu sang lưu diễn ở châu Âu. Hôm ấy có buổi giao lưu "Về miền Quan họ" cho nên bà con người Việt đến nườm nượp đông như trẩy hội.

Trên sân khấu, nom những tấm áo mớ ba mớ bảy của các "liền chị" phấp phới mà chạnh lòng nghĩ tiếc sẽ chẳng có bóng dáng một "liền anh" nào đâu (vì thành phần đoàn sang lần này chỉ có các chị Thúy Hường, Vân Dung, Thúy Miền và một nhạc công). Câu hát quan họ nếu thiếu đi giọng nam thì còn đâu lời giao duyên nữa, mà chỉ còn ý nghĩa "giao lưu" đấy thôi (!)

Nhưng khi câu hát "Trẩy hội xuân" cất lên tôi mới biết mình đã lầm: kìa anh Ba đi trẩy hội, xúng xính áo the khăn xếp với chiếc ô trên tay sánh bước cùng các nữ nghệ sĩ nổi tiếng. Ồ, vậy ra bà con Việt kiều Berlin có được người đại diện thật đáng mặt đứng ra "đãi khách," ấy là anh Hoàng Lê - một lương y đã hơn 20 năm sống trên đất Đức.

Thong thả từng câu, từng chữ đối lời với các giọng ca chuyên nghiệp, cứ ngỡ Hoàng Lê đã quen hát sân khấu nhuần nhuyễn lắm! Nào ai hay đây là lần đầu tiên anh lên diễn chung với nghệ sỹ ưu tú Thúy Hường và cả đoàn nghệ thuật (như chính anh bộc bạch là "bị" các "nường" kéo lên sân khấu khi thậm chí chưa có một lần ghép tập nào!). Thôi thì run vẫn cứ run, song quan họ tài tình và tinh tế lắm, chỉ cần đôi ba câu "í a," "ư hự" là nắm bắt được cái "lề lối" của bạn diễn liền.

Hoàng Lê chú ý vào khẩu hình của bạn diễn để nhấn nhá câu ca cho thật khớp, khiến cho khúc giao duyên giữa "chủ" và "khách" được tung hứng một cách khá tự nhiên và đậm đà, tình tứ, y như những liền anh liền chị vốn cùng canh quan họ tự thuở nào. Đến nỗi nghệ sỹ ưu tú Thúy Hường phải bộc bạch, quả tình là trong lần lưu diễn này chưa bao giờ mình đến đâu mà trình bày quá 4 bài, vậy mà bữa nay mình "bốc lên" với một lèo 9 lần ra sân khấu! Ấy là bởi cái tình và cái tâm đối với quan họ thể hiện qua câu hát của Hoàng Lê mà bản thân chị cũng như nghệ sỹ Vân Dung, nghệ sỹ Thúy Miền đều "cảm" được.

Vào những ngày giữa tháng Giêng Âm lịch vừa qua, nếu ở Bắc Ninh, một người yêu quan họ như tôi đây hẳn thấy lòng khắc khoải lắm vì lễ hội Lim truyền thống đang vào ngày "đến hẹn lại lên" rồi, nơi đó các nam thanh nữ tú, đôi ba người xưa người nay lại được có dịp gặp bạn quan họ tri kỷ qua miếng trầu têm cánh phượng, qua câu hát đối và ánh mắt say nhau... Nhưng trong cái lạnh đầu xuân Nhâm Thìn, giữa Berlin xa lạ này làm sao tìm được đồi Lim mà tìm?

Thế rồi theo chỉ dẫn của cô bác trong Trung tâm thương mại Đồng Xuân - Berlin, tôi đến thăm phòng khám Đông y của gia đình lương y Hoàng Lê. Tiếng lành vốn dĩ đồn xa, gia đình ấy không chỉ được biết tiếng bởi cả nhà đều mê quan họ, mà họ đều cùng yêu một công việc cao quý: trị bệnh cứu người.

Đến với phòng khám của lương y Hoàng Lê, được tiếp cận với phương pháp chẩn trị y học dân tộc cổ truyền, một phần do giáo sư danh tiếng Nguyễn Tài Thu truyền dạy, bệnh nhân sẽ vừa được anh châm cứu, bấm huyệt, vừa được... nghe hát dân ca! Cảm giác thật gần gũi. Trong khi chờ đợi, người khám bệnh còn được thư giãn qua những làn điệu trữ tình lưu trong máy tính mà gia đình anh thu lại qua bao lần đi biểu diễn khắp nơi. Gửi lòng vào tâm tư một người sống xa quê hương bản quán, sẽ thấy làn điệu ấy êm ái vô cùng.

Lương y Hoàng Lê là một người con Kinh Bắc, nhưng anh không phải dân "nòi" quan họ mà xuất thân từ một gia tộc lang y truyền đời. Chưa từng say miếng trầu cùng câu giã bạn hay một lần "ngồi tựa mạn thuyền" và "qua cầu gió bay" với chị Hai chị Ba nào, anh đã gặp "ý trung nhân" của mình trong đơn vị quân y khi cả hai cùng công tác nơi biên cương đảo xa.

Cũng thật khó hình dung được là mặc dù rất bận rộn với việc khám, chữa bệnh, lương y Hoàng Lê vẫn có thể tham gia tích cực vào công tác quần chúng của các hội đoàn. Anh cũng đang ấp ủ mong muốn làm sao có được một câu lạc bộ dân ca ba miền để tụ tập những người ham mê dân ca, đặc biệt là truyền cảm hứng cho các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba cùng duy trì nền văn hóa dân tộc này trên đất khách quê người.

Anh Vũ Quốc Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Kinh Bắc và chị Trần Thị Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Thiện từ tâm Berlin đều có chung một nhận xét rằng lương y Hoàng Lê có một niềm say mê đối với các hoạt động của hội, anh luôn hết mình và vô tư vì công việc tập thể. Anh tích cực cùng các hội viên yêu quan họ tập hát, dàn dựng các chương trình biểu diễn góp quỹ từ thiện, vừa tham gia biểu diễn trong những sinh hoạt cộng đồng.
 
 Khi đăng tin về các đêm văn nghệ của bà con, các trang báo điện tử Việt Nam tại Đức thường lấy hình ảnh của anh trên sân khấu làm ảnh tiêu đề, có lẽ cũng vì sự nhiệt tình ấy ở anh. Một số báo địa phương của Đức cũng đã có bài viết về anh và gia đình, thậm chí còn đưa tít bài lên trang nhất như các tờ: WochenSpiegel, Zossener Rundschau, BlickPunkt… Con người 14 năm khoác áo lính năm xưa, lúc này có thể đang vận chiếc áo trắng thầy thuốc, nhưng biết đâu lát nữa sẽ thay bằng bộ phục trang quan họ cũng nên.

Những ngày cuối tuần, khi người bệnh cuối cùng đã ra về, mấy bố con anh lại mở máy tính, bật loa nhạc lên cùng hát cho nhau nghe, vừa là để xả stress sau ngày làm việc mệt nhoài, vừa để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn nay mai. Thế là bỗng chốc, phòng mạch ấm cúng này đã trở thành một "chiếu quan họ" với những chiếc trống, chiếc phách và micro.

Nghe giọng ca truyền cảm, dẫu còn chưa "tròn vành rõ chữ" của Ngọc Trang - Lan Anh (hai người con gái của Hoàng Lê), đón nhận sự nhân hậu, chân tình của chị Kim Thoa và nụ cười tươi rói, ấm áp của anh Hoàng Lê, tôi thấy yêu vô cùng câu hát giao duyên:

"Hôm nay sum họp trúc mai
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm"
"Hôm nay tứ hải giao tình
Tuy rằng bốn biển nhưng chung một nhà"
mà gia đình hạnh phúc ấy gửi tới những tâm hồn đồng điệu nhân ngày đầu Xuân./.

Lê Tư/Berlin (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục