Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp-dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.

Trung tâm thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Trung tâm thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản; là tỉnh công nghiệp-dịch vụ.

Tỉnh là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS), đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Quảng Trị phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,2%/năm.

Tỉnh có cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm khoảng 10,5%; phi nông nghiệp chiếm khoảng 84,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140-170 triệu đồng/người;

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp-dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung

Quảng trị có nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, trụ cột, trong đó xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Tỉnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Quảng Trị bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù.

Tỉnh phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo; an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục