Đền thiêng Preah Vihear: Cuộc chiến không lan rộng

Vẫn có những nhìn nhận khác nhau về động cơ cuộc tranh chấp biên giới gay gắt hiện nay giữa hai quốc gia láng giềng Campuchia và Thái Lan.

Nhưng vào thời điểm tiếng súng đang lác đác vọng về từ ngôi đền vùng biên Preah Vihear, và ngoại trưởng hai nước vừa có cuộc cuộc khẩu chiến căng thẳng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thì hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan vẫn tích cực chuẩn bị cho Hội chợ triển lãm thương mại thường niên lớn nhất (Thailand Trade Exhibition 2011) tại Campuchia.
Vẫn có những nhìn nhận khác nhau về động cơ cuộc tranh chấp biên giới gay gắt hiện nay giữa hai quốc gia láng giềng Campuchia và Thái Lan.

Nhưng vào thời điểm tiếng súng đang lác đác vọng về từ ngôi đền vùng biên Preah Vihear, và ngoại trưởng hai nước vừa có cuộc cuộc khẩu chiến căng thẳng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thì hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan vẫn tích cực chuẩn bị cho Hội chợ triển lãm thương mại thường niên lớn nhất (Thailand Trade Exhibition 2011) tại Campuchia.

Băngrôn quảng cáo hội chợ của người Thái, diễn ra từ ngày 17-20/2, được treo la liệt ở các khu phố sầm uất nhất thủ đô Phnom Penh.
 
Chào đón doanh nghiệp
Thái Lan

“Chúng tôi không muốn đẩy cuộc xung đột lan sang hoạt động giao thương. Chúng tôi cam kết bảo vệ an ninh cho những nhà đầu tư Thái tham gia hội chợ thương mại ở Campuchia. Nếu họ (doanh nghiệp Thái) muốn kinh doanh và trưng bày hàng hóa ở Phnom Penh, thì xin mời”.

Đó là cam kết của Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngay sau thông báo tuần qua của giới doanh nghiệp Thái Lan về quyết định tổ chức hội chợ triển lãm thường niên tại Phnom Penh, bất chấp mọi diễn biến căng thẳng dọc đường biên hai nước.

Tại một quốc gia với hơn 90% lượng hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng, hàng công nghiệp đều phụ thuộc từ nhập khẩu như Campuchia, thì việc cắt đứt mọi hoạt động giao thương với bạn hàng Thái Lan là hầu như không thể.

Theo nguồn tin của phóng viên, trong khi các cửa khẩu phụ giữa Campuchia và Thái Lan đều bị đóng cửa, thì hoạt động giao thương qua lại ở cửa khẩu Poipet thuộc tỉnh Banteay Meanchey (Aranyaprathet - Thái Lan) vẫn diễn ra bình thường, dù lưu lượng có giảm. Poipet vẫn là một trong những đầu mối thương mại huyết mạch nuôi sống nền kinh tế Campuchia.

Nếu ngôi đền Preah Vihear luôn là cái gai gây nhức nhối quan hệ ngoại giao hai quốc gia láng giềng này từ vài năm qua, và làm đau đầu tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc, thì dưới góc độ kinh tế, nó hầu như không ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại Campuchia-Thái Lan.

Theo thống kê của Phòng Xúc tiến thương mại thuộc Sứ quán Thái Lan tại Campuchia, giá trị thương mại song phương năm 2010 là 2,557 tỷ USD, tăng khoảng 54% so với năm 2009; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang Campuchia tăng 48%, đạt 2,342 tỉ USD.

Trong một tuần mà các phương tiện truyền thông tại Campuchia tràn ngập những hình ảnh sát khí ở vùng biên, cùng những bài hát ca ngợi tinh thần yêu nước, thì các doanh nghiệp Thái vẫn được đón tiếp trọng thị ở Phnom Penh.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, Mao Thora vẫn lạc quan về cơ hội tăng trưởng thương mại song phương với Thái Lan, bất chấp bầu không khí nóng bỏng quanh ngôi đền nghìn năm tuổi: “Chúng tôi cùng muốn thúc đẩy hoạt động mậu dịch.”

Dĩ nhiên các tin tức không hề yên ổn từ những điểm nóng đối đầu giữa quân đội hai nước phần nào ảnh hưởng tới tâm lý các doanh nghiệp Thái Lan. Nhưng với quyết tâm tổ chức một hội chợ triển lãm với quy mô không thua kém năm 2010 tại Phnom Penh (khoảng hơn 200 gian hàng tại trung tâm triển lãm Koh Pich), giới doanh nghiệp Thái Lan không hề quan ngại về khả năng xảy bài xích hàng hóa Thái.

“Chúng tôi tin tưởng ở lời cam kết đảm bảo an toàn của Thủ tướng Hun Sen,” Trưởng phòng Thương mại Thái Lan tại Campuchia - Jiranun Wongmongkol phát biểu trong cuộc họp báo tuần qua, “Các doanh nghiệp Thái được đón tiếp khá nồng hậu tại đây.”

Đại diện các công ty lớn của Thái Lan như Thai Airways hay Siam Cement Group (SCG) cũng khẳng định rằng hoạt động của họ hầu như không gặp trở ngại, hay các tác động tiêu cực từ các cuộc đụng độ biên giới hai nước vừa qua.

Tổng Giám đốc SCG tại Campuchia, Patham Sirikul cho biết mọi hoạt động của công ty liên doanh Kampot Cement tại Campuchia diễn ra bình thường, trong khi nguồn nguyên liệu xây dựng nhập qua cửa khẩu biên giới Poipet vẫn thông suốt.

Bầu trời mở

Hoạt động kinh doanh khá suôn sẻ của Thai Airways trong bối cảnh hiện nay dường như cũng tạo tâm lý tích cực hơn cho các doanh nghiệp Thái khác. Trong tuần qua, hai hãng hàng không dân dụng Thái Lan, gồm Phuket Airlines và Sunny Air, đã nộp đơn xin cấp giấy phép bay đến trung tâm du lịch lớn nhất Campuchia là Siem Reap.

Quốc vụ khanh Tổng cục hàng không dân dụng Campuchia, Soy Sokhan cho biết Chính phủ Campuchia đang xem xét để chuẩn y giấy phép cho Phuket Airlines và Sunny Air: “Chúng tôi sẽ rất vui lòng cấp phép nếu các hồ sơ của họ tuân thủ đúng luật pháp và các công ty này có một chính sách rõ ràng.”

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Campuchia, Ho Vandy cũng tỏ ra lạc quan về quyết định đầu tư của Phuket Airlines và Sunny Air. Ông cho rằng chính sách “Bầu trời mở” của Campuchia sẽ tạo cơ hội để nước này thu hút thêm nhiều hãng hàng không quốc tế mở rộng kinh doanh sang thị trường Campuchia.

Trong thời điểm này, chưa thể có một đánh giá cụ thể về tác động cuộc tranh chấp xunh quanh ngôi đền Preah Vihear với hoạt động giao thương Campuchia-Thái Lan. Nhưng rõ ràng là cuộc xung đột hiện nay không phản ánh đúng lợi ích thực tế của hai quốc gia láng giềng, đặc biệt là giới doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng bất chấp những căng thẳng gần đây với Campuchia, Thái Lan - với tư cách là nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á - vẫn có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa từ một thị trường Campuchia đang phát triển với tốc độ cao./.

Trần Long (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục