Dệt may gắng sức, liệu có cán đích 9,2 tỷ USD?

Để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 9,2 tỷ USD, ngành dệt may phải “gắng sức” tăng tốc, bình quân mỗi tháng phải đạt trên 800 triệu USD.
Để đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 9,2 tỷ USD (tương đương mức năm 2008 và thấp hơn kế hoạch 9,5 tỷ USD), từ nay đến cuối năm, ngành dệt may phải “gắng sức” tăng tốc, bình quân mỗi tháng phải đạt trên 800 triệu USD, một con số khó thực hiện đối với toàn ngành.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cho biết như vậy bên lề Lễ công bố chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc” tổ chức sáng 17/9 tại Hà Nội.

Mặc dù đơn hàng đã được cải thiện nhiều trong quý II và quý III năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng ổn định tới tháng 10, 11, nhưng Bộ Công Thương cho rằng ngành dệt may vẫn cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu ở những thị trường mới như Nam Mỹ, Châu Phi.

Đồng thời các doanh nghiệp phải cơ cấu lại tổ chức, rà soát và tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp nhằm đón đầu và phát triển bền vững trong giai đoạn sau khủng hoảng.

Các doanh nghiệp cần giải quyết hài hòa quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động, tập trung đào tạo cán bộ về quản trị kinh doanh, quản lý thị trường; chuyển dịch sản xuất về các địa phương, ưu tiên chọn những nơi có đường giao thông thuận lợi đi về các cảng lớn. Hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang xây dựng những điển hình về năng suất lao động, áp dụng thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Vũ Đức Giang, Tập đoàn đã tập trung phát triển cây bông và một số cây nguyên liệu cho ngành dệt may, thành lập 3 trang trại trồng bông, Công ty cổ phần bông, đặt đơn hàng cho Viện nghiên cứu cây thực hiện đề tài sản xuất giống bông tăng năng suất, nghiên cứu hợp tác với Campuchia để trồng bông...

Vinatex còn đang đầu tư và liên doanh đầu tư các dự án sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Ninh Thuận và Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Tập đoàn còn tự túc đầu tư các nhà máy dệt thoi như Việt Thắng, dệt Nam Định, dệt Vĩnh Phú...

Với hướng phát triển này, đến năm 2015, ngành dệt may đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa 70 - 80% là hoàn toàn có cơ sở, nhưng dệt thoi vẫn là bài toán khó nhất, cần kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Toàn ngành cũng đang tập trung chuyển dần từ gia công sang mua đứt bán đoạn (FOB), tự thiết kế mẫu, kết hợp với thời trang hóa ngành dệt may Việt Nam.

Cùng với việc duy trì các thị trường xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường trong nước, nhất là khu vực tiêu dùng có thu nhập thấp cần đầu tư nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất các chủng loại sản phẩm phù hợp, chú trọng hơn nữa các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm là hướng đi trong dài hạn để ngành dệt may có thể tăng trưởng bền vững.

Vì vậy, Vinatex đang từng bước đầu tư xây dựng hệ thống chuỗi siêu thị Vinatex mart, với 60 siêu thị trên địa bàn 22 tỉnh, thành phố. Hệ thống các cửa hàng cao cấp của các doanh nghiệp của Vinatex cũng đứng vững, từng bước khẳng định thương hiệu và kinh doanh có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, thị trường nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Việt Tiến, Công ty Cổ phần May 10... tỷ trọng bán hàng nội địa đã chiếm 20 - 25% doanh thu.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, ngành dệt may sẽ tập trung vào một số giải pháp như thúc đẩy hoàn thiện một số công trình đầu tư cốt lõi như công trình vải dệt nhuộm, triển khai xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; xây dựng chiến lược về các dòng sản phẩm cao cấp cho thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; định hướng cho từng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cũng như góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục