Dệt thổ cẩm ở Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn của cộng đồng các dân tộc

Trước đây, ngay từ khi còn nhỏ các em bé M’Nông, Mạ, Ê Đê… đã được cha mẹ, ông bà truyền dạy kỹ thuật dệt thổ cẩm thủ công và một số được học qua các lớp học nghề do địa phương tổ chức.
Hoa hậu Ngọc Hân rất ưa chuộng các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công cúa đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hoa hậu Ngọc Hân rất ưa chuộng các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công cúa đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Nông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bao đời nay dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng đầy tự hào, nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói riêng.

[Đắk Nông - Nơi định vị giá trị du lịch toàn cầu mới của Việt Nam?]

Giờ đây, trên địa bàn tỉnh các hoạt động dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống người dân và khách tham quan du lịch. Sản phẩm thổ cẩm vùng này đặc biệt về trang phục, cơ bản vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã tác động không nhỏ đến “biểu tượng” của người dân Đắk Nông.

Hướng đi mới từ khó khăn…

Đến Đắk Nông ngày nay vẫn thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng họa tiết thổ cẩm trong những tán rừng, dưới những nếp nhà. Nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn đâu đó ẩn hiện trong đời sống thường nhật của đồng bào Tây Nguyên.

Trước đây, ngay từ khi còn nhỏ các em bé M’Nông, Mạ, Ê Đê… đã được cha mẹ, ông bà truyền dạy kỹ thuật dệt và một số được học qua các lớp học nghề do địa phương tổ chức.

Dệt thổ cẩm ở Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn của cộng đồng các dân tộc ảnh 1Các sản phẩm ứng dụng từ thổ cẩm của đồng bào ở Đắk Nông. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Thế nhưng, trong bối cảnh phát triển hiện nay, xu thế hội nhập toàn cầu hóa kéo theo quá trình giao lưu giữa các tộc người trở nên mạnh mẽ, xu hướng Việt (kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng ở Đắk Nông. Đời sống kinh tế cũng khá hơn nên những bộ đồ thổ cẩm truyền thống dần được thay bằng trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơ mi.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít, số nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã lớn tuổi rồi mất đi. Lực lượng trong độ tuổi lao động mặc dù nhiều, nhưng không còn mấy em tâm huyết, mặn mà với nghề của cha ông mà thường chọn mưu sinh bằng nghề khác, dẫn đến đội ngũ kế thừa hạn chế.

Do không có người làm thành ra sản phẩm sản xuất được ít, trang phục thổ cẩm truyền thống phần lớn chỉ còn được lưu truyền trong phạm vi gia đình và phần nhỏ phục vụ hoạt động du lịch trong cộng đồng.

Trước thực trạng này, tháng 11 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam với mong muốn tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn thổ cẩm các dân tộc.

Dệt thổ cẩm ở Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn của cộng đồng các dân tộc ảnh 2Sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công được trưng bày tại một sự kiện. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Song song đó, các làng nghề và nghệ nhân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ về thổ cẩm phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Ngoài ra, đây cũng là dịp giúp địa phương nhận được nhiều quan tâm của các cấp chính quyền thông qua chính sách cụ thể để định hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm đồng thời thành lập được các tổ hợp tác xã dệt thổ cẩm, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con. Từ đó, xây dựng thương hiệu thổ cẩm các dân tộc Đắk Nông để phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.

Và nỗ lực bảo tồn

Nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông, những năm qua, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông cho biết đã tiến hành kiểm kê 147 bon, buôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, có 643 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó có 50 nghệ nhân có khả năng truyền dạy nghề cùng một số hợp tác xã, tổ dệt, nhóm dệt thổ cẩm.

Dệt thổ cẩm ở Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn của cộng đồng các dân tộc ảnh 3Sản phẩm dệt thủ công nhỏ xinh như này có giá thành khá cao, từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng.  (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông chủ trì thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.”

Qua đó, tiến hành sưu tầm và thiết kế các mẫu hoa văn đặc trưng của 5 dân tộc Mạ, Ê đê, M’nông, Dao, Mông, rồi cải tiến mẫu mã sản phẩm thổ cẩm theo nguyên tắc sử dụng hoa văn truyền thống trên các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số để thiết kế trang phục hiện đại và trên các vật dụng khác như ga giường, caravat, túi, ví… nhằm phục vụ khách du lịch và quảng bá.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cho biết hiện nay, địa phương đang tiến hành xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống nghệ thuật dệt, trang trí hoa văn truyền thống của dân tộc M’nông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào di sản cấp quốc gia.

Dệt thổ cẩm ở Đắk Nông: Nỗ lực bảo tồn của cộng đồng các dân tộc ảnh 4Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh (bên trái) tại một sự kiện quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công Đắk Nông. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai mô hình dệt thổ cẩm tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp và xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong trong dự án mô hình giảm nghèo bền vững năm 2020 nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực để giảm nghèo.

Theo lãnh đạo địa phương, để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng vẫn đảm bảo lưu giữ được giá trị cốt lõi văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số.

“Cụ thể là lưu giữ được màu sắc, hoa văn đặc trưng trên thổ cẩm của từng tộc người để từ đó tạo ra giá trị cốt lõi cho sản phẩm. Muốn làm được điều đó cần có sự kết hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm lưu giữ và đưa sản phẩm ra thị trường bên ngoài buôn làng,” bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục