Đi tìm diện mạo Công nghiệp Văn hóa Việt Nam để đầu tư trúng đích

Công nghiệp Văn hóa được kỳ vọng là ngành công nghiệp không khói mới của đất nước, song cơ quan quản lý vẫn đang 'loay hoay' định lượng giá trị sản phẩm của ngành để đầu tư hiệu quả. 

Chương trình nghệ thuật biểu diễn "Làng tôi" là một sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chương trình nghệ thuật biểu diễn "Làng tôi" là một sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát triển Công nghiệp Văn hóa đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, có chỉ số thống kê cụ thể, định lượng rõ ràng để từ đó có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 22/12 tại trụ sở Chính phủ.

Tìm cơ sở xác định giá trị kinh tế của văn hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Công nghiệp Văn hóa là các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.

thutuong2-9651.jpg
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc/Vietnam+)

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển Công nghiệp Văn hóa. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và Công nghiệp Văn hóa.

Song, Thủ tướng nhận định so với một số ngành khác thì các ngành Công nghiệp Văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển Công nghiệp Văn hóa với số liệu minh chứng cụ thể; nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận diện thời cơ, thách thức của Công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong thời gian tới đồng thời đặt câu hỏi có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển Công nghiệp Văn hóa.

nhatbad-3285.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo thực trạng Công nghiệp Văn hóa. (Ảnh: Nhật Bắc/Vietnam+)

Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận một số tồn tại của ngành, trong đó có thiếu sót trong công tác thống kê.

“Chúng ta chưa có chỉ số thống kê về ngành Công nghiệp Văn hoá trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến việc đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế,” Bộ trưởng nêu rõ.

Vì lẽ đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD chia sẻ những khó khăn khi sản phẩm Công nghiệp Văn hóa chưa có định lượng rõ ràng để xác định được giá trị kinh tế.

Bà Hạnh lấy ví dụ các tài sản như xe máy, ôtô, đất đai có thể mang ra cầm cố, vay vốn tại ngân hàng còn các tài sản trí tuệ như tranh, tượng, cổ vật thì không.

coba-6114.png
Bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" từng bị ghi hình lén, gây thiệt hại cho nhà sản xuất.

Thêm một ví dụ khác, nếu một người có hành vi trộm cắp tài sản như một chiếc xe máy thì có thể chịu án tù, còn xâm phạm tài sản trí tuệ được đầu tư cả triệu USD như trường hợp khán giả ghi hình bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” trong rạp và tung lên mạng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thì chỉ bị phạt 3 triệu đồng. Điều đó cho thấy sự bất tương xứng giữa sản phẩm của Công nghiệp Văn hóa với các ngành công nghiệp khác, giữa thị trường văn hóa với các thị trường khác.

Nhà nước trở thành khách hàng của văn hóa

Đóng góp giải pháp về xây dựng hệ thống thống kê về các ngành Công nghiệp Văn hóa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng hệ thống này nằm trong hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia, ứng dụng cho các địa phương, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế và đáp ứng mục tiêu đánh giá sự đóng góp của các ngành Công nghiệp Văn hóa cho sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Theo Thứ trưởng, trước hết cần xác định phạm vi ngành Công nghiệp Văn hóa, thông qua mục tiêu chủ yếu tại Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Có thể thấy các lĩnh vực quan trọng của Công nghiệp Văn hoá được tập trung vào các ngành: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa.

Thứ trưởng nêu rõ các chỉ tiêu đánh giá được sự đóng góp của ngành Công nghiệp Văn hóa cho sự phát triển kinh tế-xã hội bao gồm: Doanh thu (đóng góp vào GDP), lao động trong các ngành; số lượng sự kiện nghệ thuật, lượt tham quan và khán giả, và một số thông tin về nhiều yếu tố khác (thị trường và tiêu dùng; số lượng người tham gia các hoạt động văn hóa) phản ánh sự tác động của ngành công nghiệp văn hóa tới sự phát triển kinh tế-xã hội…

netflix-1-6626.jpg
Các nền tảng xuyên biên giới đang có doanh thu khổng lồ tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rằng Công nghiệp Văn hóa cần có những con số kiểm đếm đầy đủ, chính xác, với những đại lượng tương tự nền Công nghiệp Văn hóa các quốc gia khác.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm dẫn con số thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy từ đầu năm đến nay, các nền tảng xuyên biên giới như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đã nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng, cho thấy việc sáng tạo nội dung trên mạng mang về lợi nhuận rất lớn.

“Chúng ta cần có một bộ đo chính thức, ứng dụng công nghệ để đo đạc, kiểm đếm đầy đủ, chính xác các chỉ số phát triển của Công nghiệp Văn hóa,” Thứ trưởng nêu rõ.

Bổ sung giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề cập đến việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ những quốc gia trong khu vực có nhiều điểm tương đồng, cùng xuất phát điểm với Việt Nam trong xây dựng Công nghiệp Văn hóa.

Thêm vào đó, Thứ trưởng đề xuất cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp văn hóa để họ không sợ sai mà có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

“Tôi cho rằng đã đến lúc Nhà nước đóng vai trò là một khách hàng lớn của văn hóa, một khách hàng khó tính nhưng có trách nhiệm và đủ điều kiện trang trải. Hiện nay, chúng ta vướng nhiều về thể chế, quy trình thẩm định giá, xác định giá trị tài sản văn hóa. Việc mạnh dạn sửa đổi thể chế để Nhà nước tham gia thị trường như một khách hàng là cần thiết, tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài,” Thứ trưởng nêu quan điểm./.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công nghiệp Văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%.

Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm, tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành Công nghiệp Văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành Công nghiệp Văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành Công nghiệp Văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm.

Năm 2022, lĩnh vực văn hóa thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành Công nghiệp Văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục