Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư của Tổng cục Thống kê cho thấy do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nên chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm mạnh, tới 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung bốn tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
[CPI tháng Tư giảm 1,54% chủ yếu do giá dầu thế giới lao dốc]
Trong tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 13,3% so với tháng Ba; trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%, ngành chế biến và chế tạo giảm 11,3%, sản xuất và phân phối điện giảm 6,9% song ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng nhẹ 2%.
Theo báo cáo này, bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất đã làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp trong nước.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất bốn tháng giảm khá sâu, như sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng cũng bị đình đốn, mặt hàng bia giảm 24,1%, ôtô giảm 23,8%, đường kính giảm 23,5%, xe máy giảm 16,6%, dầu thô khai thác giảm 12%, khí hóa lỏng LPG giảm 11,8…
Mặt khác, cũng theo báo cáo, sản xuất công nghiệp tháng Tư sụt giảm mạnh do tác động của dịch bệnh đã khiến phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Do đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4 đã giảm 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm ngoái (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%). Trong số đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng giảm 2,9%, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,7%./.