Nước Mỹ tiếp tục phải đón nhận những số liệu không mấy lạc quan, cho thấy tác động ngày càng lớn của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Lòng tin người tiêu dùng giảm xuống mức thấp của sáu năm
Báo cáo mới nhất của Conference Board công bố ngày 28/4 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm vào tháng 4/2020, khi các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã phá vỡ hoạt động kinh tế và khiến hàng triệu người Mỹ mất việc.
Theo đó, Conference Board cho biết Chỉ số niềm tin tiêu dùng do họ tổng hợp đã giảm từ mức 118,8 trong tháng Ba xuống 86,9 trong tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014.
Chỉ số thước đo tình hình hiện tại của Conference Board (dựa trên đánh giá của người tiêu dùng về điều kiện kinh doanh và thị trường lao động hiện tại) đã giảm kỷ lục 90 điểm xuống mức 76,4 trong tháng này.
[Fed bắt đầu cuộc họp 2 ngày bàn các biện pháp phục hồi kinh tế Mỹ]
Nhưng chỉ số kỳ vọng (dựa trên triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng về thu nhập, điều kiện kinh doanh và thị trường lao động) đã tăng từ mức 86,8 trong tháng Ba lên 93,8 vào tháng này.
Conference Board nhận định sự cải thiện trong kỳ vọng là do người dân tin vào khả năng các hạn chế đi lại sẽ sớm được nới lỏng, cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, bất chấp sự cải thiện trong kỳ vọng, các hộ gia đình vẫn lo lắng về tình hình tài chính của họ - một yếu tố có thể khiến chi tiêu tiêu dùng suy yếu.
Khoảng 26,5 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày 21/3 cho tới nay.
Chỉ số chênh lệch trên thị trường lao động của Conference Board (dựa trên quan điểm của người trả lời về tình hình số lượng công việc dồi dào hay khan hiếm trên thị trường) đã giảm từ 29,5 hồi tháng Ba xuống -13,6 vào tháng Tư. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 7/2014.
Sự sụt giảm mạnh của chỉ số trên trong tháng Tư, cùng với làn sóng sa thải đang xảy ra, càng củng cố dự báo của các chuyên gia kinh tế rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ phá kỷ lục 10,8% được ghi nhận hồi tháng 11/1982.
Xuất nhập khẩu đồng loạt “lao dốc” trong tháng Ba
Một báo cáo khác trong cùng ngày cho thấy đại dịch COVID-19 đã hạn chế nghiêm trọng dòng chảy hàng hóa giữa các quốc gia, với xuất khẩu từ Mỹ lao dốc và hoạt động nhập khẩu từ các quốc gia khác tiếp tục giảm.
Các báo cáo củng cố quan điểm của các nhà kinh tế rằng nền kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái sâu.
Trong báo cáo riêng công bố vào ngày 28/4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này đã tăng 7,2% lên 64,2 tỷ USD vào tháng Ba.
Mặc dù bình thường hóa đơn nhập khẩu bị thu hẹp là một điều tích cực trong tính toán GDP, nhập khẩu giảm cũng đồng nghĩa là lượng tích lũy hàng tồn kho ít hơn, qua đó “san bằng” đóng góp của hoạt động thương mại vào GDP quốc gia.
Trong tháng Ba, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã giảm 2,4% xuống còn 191,9 tỷ USD sau khi đã giảm 2,5% trong tháng Hai. So với tháng 3/2019, nhập khẩu hàng hóa của nước này đã giảm tới 9,6%.
Sự sụt giảm mạnh nhất được ghi nhận trong nhập khẩu hàng tiêu dùng, xe cơ giới và phụ tùng. Nhập khẩu thực phẩm, vật tư công nghiệp và hàng hóa phục vụ sản xuất vẫn tăng trong tháng trước.
Trong cùng giai đoạn, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Mỹ đã giảm 6,7% xuống còn 127,6 tỷ USD. Lượng hàng vật tư công nghiệp được xuất đi đã giảm 7,5% còn xe cơ giới và phụ tùng giảm mạnh 17,8%.
Ông James Watson, một nhà kinh tế cao cấp tại công ty tư vấn Oxford Economics nhận định sự suy giảm sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo chuyên gia này, với nhu cầu thế giới lẫn trong nước đều đi xuống trong bối cảnh diễn ra cuộc suy thoái mạnh nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai, thương mại sẽ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ.
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ sớm công bố báo cáo sơ bộ về tình hình Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên của năm nay.
Theo cuộc khảo sát các nhà kinh tế của hãng tin Reuters, GDP của Mỹ trong quý I dự kiến sẽ giảm 4,0% so với cùng kỳ 2019.
Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là tốc độ giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái và chấm dứt chuỗi 11 năm tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Trước đó trong IV/2019, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng trưởng 2,1%./.