Dịch COVID-19 làm biến đổi ngành công nghiệp sản xuất như thế nào?

Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển đang chuyển đổi trọng tâm sang nhân công có mức lương thấp nhất trong tất cả, đó là robot.
Dịch COVID-19 làm biến đổi ngành công nghiệp sản xuất như thế nào? ảnh 1Một dây chuyển lắp ráp ôtô tại Mỹ. (Nguồn: channel3000)

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, các nền kinh tế phát triển dường như đang chuẩn bị để phục hồi ngành công nghiệp chế tạo.

Tuy nhiên, dù có thể giảm thiểu nguy cơ cho các tập đoàn lớn, song điều này có thể sẽ không mang lại lợi ích cho đại bộ phận người lao động tại các quốc gia có nền khoa học tiên tiến hay các nước đang phát triển khi mà quá trình sản xuất đang bị dịch chuyển.

Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những rủi ro vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu lộ rõ hơn bao giờ hết. Thay vì chờ đợi hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường, với hoạt động gia công tập trung tại các quốc gia có nhân công giá rẻ và đông đảo, nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển đang chuyển đổi trọng tâm sang nhân công có mức lương thấp nhất trong tất cả, đó là robot.

Các doanh nghiệp bắt đầu tái cơ cấu sản xuất sang các quốc gia có giá nhân công thấp từ đầu thập niên 1990 sau khi bức tường ngăn cách Đông Tây sụp đổ, Trung Quốc hội nhập quốc tế và gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng với sự gia tăng của các container.

Khoảng thời gian giữa những năm 1990 cho tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 được gọi là kỷ nguyên siêu toàn cầu hóa trong đó chuỗi giá trị toàn cầu chiếm tới 60% thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đánh dấu điểm khởi đầu cho sự kết thúc của kỷ nguyên siêu toàn cầu hóa. Từ năm 2011, giá trị chuỗi toàn cầu hóa dừng mở rộng và không tăng trưởng.

[IMF: COVID-19 gây suy thoái nghiêm trọng hơn khủng hoảng năm 2008]

Sự đảo ngược này được thúc đẩy bởi những bất ổn. Từ năm 2008 tới năm 2011, Chỉ số bất ổn toàn cầu (WUI) do 3 chuyên gia tài chính Hites Ahir, Nicholas Bloom và Davide Furceri đưa ra - một chỉ số biểu thị những bất ổn liên quan đến các sự kiện kinh tế và chính trị trong ngắn và dài hạn - đã tăng tới 200%.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2002-2003 khi giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), chỉ số WUI chỉ tăng 70%. Và sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời liên minh châu Âu vào năm 2016, chỉ số này đã nhảy vọt lên tới 250%.

Khi sự bất ổn gia tăng, các chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng. Dựa trên những dữ liệu trong quá khứ, các chuyên gia đã đưa ra dự báo WUI ở mức 300% khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, làm giảm các hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu lên tới 35,4%.

Tại thời điểm khi chi phí sử dụng robot trong sản xuất đang rẻ hơn bao giờ hết, sự khuyến khích để định hình lại sản xuất thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. Xét về mặt số học rất đơn giản.

Lấy một minh chứng cụ thể, một doanh nghiệp tại Mỹ có thể phải trả một công nhân người Mỹ nhiều hơn rất nhiều chi phí chi trả một nhân công người Việt Nam hay Bangladesh. Tuy nhiên, một robot được sử dụng tại Mỹ sẽ không đòi hỏi tiền lương chứ không riêng gì các lợi ích khác như bảo hiểm y tế hay nghỉ ốm.

Đầu tư vào robot không phải điều gì mới mẻ. Doanh nghiệp tại các nước tiên tiến đã không ngừng theo đuổi kế hoạch này kể từ giữa thập niên 1990, trong đó công nghiệp ôtô đóng vai trò tiên phong với khoảng 50-60% thị phần trên thị trường robot.

Tại Đức, quốc gia dẫn đầu về sử dụng robot, số liệu thống kê năm 2017 cho thấy cứ 10.000 công nhân trong lĩnh vực sản xuất sẽ có trung bình 322 robot.

Chỉ có Hàn Quốc (710 robot trên 10.000 công nhân) và Singapore (658 robot trên 10.000 nhân công) có tỷ lệ cao hơn, trong khi tại Mỹ tỷ lệ này chỉ là 200 robot trên 10.000 công nhân.

Trên thực tế, khi cuộc khủng hoảng năm 2008 xảy ra, một số quốc gia, trong đó có Đức, thực sự đã có đủ số lượng robot để giảm thiểu tầm quan trọng của các giá trị lao động trong sản xuất.

Nhiều nước khác, trong bối cảnh chịu sự tác động của việc giảm mạnh lãi suất so với tiền lương, đã đẩy mạnh sử dụng robot và hiện tượng này chiếm một phần lớn hơn trong quá trình sản xuất.

Điều này dường như cũng đang xảy ra trong thời điểm hiện nay. Dựa trên chính sách tiền tệ hiện tại, có thể dự báo việc lãi suất giảm tới 30% khi các ngân hàng trung ước cố gắng bù đắp thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Các dữ liệu trong quá khứ cũng chỉ ra rằng điều này có thể khiến tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất tăng tới 75,7%.

Xu hướng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực có liên quan nhiều nhất tới các chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Đức, các lĩnh vực này gồm công nghiệp ôtô và thiết bị vận tải, điện tử và dệt may, những ngành công nghiệp nhập khẩu 12% đầu vào từ các nước nhân công rẻ.

Trên phạm vi toàn cầu, các ngành công nghiệp đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất đó là hóa chất, sản phẩm kim loại và điện tử, điện lạnh. Công nghiệp hóa chất đứng đầu trong tái cơ cấu sản xuất tại Pháp, Đức, Italy và Mỹ.

Xu hướng này đặt ra mối đe dọa lớn đối với mô hình tăng trưởng của các nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào sản xuất chi phí thấp và xuất khẩu các thành phẩm trung gian.

Tại Trung và Đông Âu, một số nước đã phản ứng với thách thức này khi đầu tư vào công nghệ robot.

Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia (nơi nhà đầu tư nước ngoài có tỷ lệ sở hữu lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô) hiện đã có tỷ lệ robot trên 10.000 nhân công cao hơn cả Mỹ hay Pháp. Và chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng: Ba quốc gia này tiếp tục duy trì vị thế là điểm đầu tư hấp dẫn cho các quốc gia giàu có.

Các trung tâm sản xuất chi phí thấp tại châu Á có thể đối mặt với khoảng thời gian khó khăn hơn, đặc biệt là sau đại dịch.

Trung Quốc, quốc gia đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bằng việc biến mình thành trung tâm của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp kế hoạch chuyển sang các hoạt động có giá trị cao và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong thời điểm khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và đại dịch COVID-19, các nền kinh tế phát triển dường như đang chuẩn bị cho sự phục hưng nền công nghiệp sản xuất.

Mặc dù có thể giúp các doanh nghiệp lớn giảm bớt rủi ro, nhưng điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho đại bộ phận nhân công tại chính các quốc gia này.

Và hệ quả tất yếu là các quốc gia đang phát triển cùng đội ngũ nhân công giá rẻ sẽ bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, chính phủ các nước cần gấp rút đưa ra các chính sách phù hợp với trật tự kinh tế mới này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục