Với số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trong 10 ngày qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để phòng, chống dịch bệnh tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, bắt đầu từ 0h ngày 19/7/2021.
Đây là giải pháp ứng phó dịch tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng, nhưng cũng gây ra những khó khăn lớn trong cung ứng thực phẩm cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi tất cả các tỉnh đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16.
Nơi thừa, nơi thiếu
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu thụ các mặt hàng nông sản của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đó là chưa kể đến nguồn thực phẩm được vận chuyển từ các tỉnh, thành phố trên cả nước vào các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Với quy mô dân số tiêu dùng ước tính khoảng 10 triệu người, mỗi ngày người dân thành phố tiêu thụ từ 9.000 tấn đến 10.000 tấn thực phẩm, nhưng năng lực cung ứng của toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng khác chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu, số còn lại phải thông qua các chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Khi thực hiện Chỉ thị 16 ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cũng có nghĩa là các chợ truyền thống và chợ đầu mối, nơi tập trung đông người, khó kiểm soát không thể hoạt động. Điều này tạo sức ép lớn lên nguồn cung thực phẩm hiện nay.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, qua rà soát nhu cầu của người dân thành phố, dựa trên 9 đầu mối kết nối, trong những ngày qua, người dân thành phố thiếu 1.500 tấn rau củ quả, trái cây; thiếu 300.000 đến 400.000 trứng gia cầm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, mặc dù các xe vận chuyển hàng từ miền Đông Nam Bộ vào Thành phố Hồ Chí Minh luôn được tạo điều kiện thuận lợi khi vận hành.
Trong khi đó, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại rất dồi dào hàng hóa, nguồn tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 1/6 sản lượng thu hoạch được, số còn lại trước đây vận chuyển về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, thì nay còn dồn ứ bởi các tỉnh Đông Nam Bộ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
[Gấp rút tìm phương án điều phối nông sản, thực phẩm khu vực phía Nam]
Theo ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, năng lực sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long khá dồi dào, trong 6 tháng cuối năm 2021, sản lượng rau củ quả của Vĩnh Long đạt 3.000 tấn, tiêu thụ trong tỉnh là 500 tấn, trứng gia cầm đạt 600.000 quả, nhưng tiêu thụ trong tỉnh chỉ 330.000 quả, khoai lang đat hơn 17 tấn, số lượng này chủ yếu xuất khẩu. Kể từ khi các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ thực hiện Chỉ thị 16, nông sản của Vĩnh Long trở nên dồn ứ, khó tiêu thụ, giá thấp đi.
Cùng với Vĩnh Long, các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang cũng đang trong tình huống thừa hàng, muốn tiêu thụ nhưng gặp nhiều trở ngại cho khâu vận chuyển đang gặp ách tắc.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết nguồn nông sản của Sóc Trăng hiện rất dồi dào, trong tháng 7, tháng 8 năm 2021, người dân Sóc Trăng thu hoạch 40.000 tấn lúa, 50.000 tấn rau củ quả, 4.000 tấn nhãn, nhưng hiện đang chờ thu mua, bởi khâu vận chuyển khó khăn, làm cho thương nhân lưỡng lự, tài xế vận chuyển cầm chừng.
Có thể thấy, nguồn thực phẩm của các tỉnh phía Nam vốn không hề thiếu, người dân lại đang có nhu cầu lớn tuy nhiên đang khó kết nối trước tình huống giãn cách xã hội.
Vòng tay kết nối đảm bảo nguồn cung thực phẩm
Giải nhiệt thực phẩm cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề nóng, nếu không chung tay tìm ra hướng đi phù hợp. Trên cơ sở vừa ứng phó dịch bệnh COVID-19 hiệu quả theo công văn 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân để mỗi người tự tạo một thành trì chống dịch bệnh mới có thể ổn định đời sống, ứng phó dịch bệnh lâu dài.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng bắt tay vào gắn kết các chuỗi cung ứng hiện nay.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nguồn thực phẩm của khu vực phía Nam hiện có 400.000 tấn, nhưng để đưa được 400.000 tấn nông sản này đến với người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, cần phải có giải pháp thấu đáo.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, các tỉnh phía Nam sản xuất 93.000 tấn thịt lợn riêng khu vực Đông Nam Bộ chiếm 53.000 tấn. Trong 6 tháng cuối năm vẫn có sản lượng thịt tương ứng, rau củ quả đạt 5 triệu tấn. Vấn đề ở chỗ khâu phân phối, luân chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh qua các chợ đã bị ảnh hưởng, hàng hóa bị ứ đọng. Các tài xế vận chuyển phân phối hàng hóa cũng lo ngại dịch.
Để có thể kết nối các chuỗi cung ứng này, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh có công văn kết nối với các địa phương, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho các địa phương vận chuyển thực phẩm về trung tâm tiêu dùng phía Nam này. Bên cạnh đó, các Sở Nông nghiệp các tỉnh quan tâm hỗ trợ các cơ sở chế biến, giết mổ và đóng gói hàng hóa.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nếu tại các cơ sở giết mổ có nhân viên nhiễm bệnh thì cả cơ sở phải đóng cửa, làm đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng này.
Đồng thời, các địa phương theo dõi nguồn hàng cung ứng ổn định cho thời gian tới. Không chỉ chú ý các mặt hàng nông sản, còn phải chú ý đến vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, kết hợp lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát, ổn định giá cho người dân sản xuất.
Để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa tập kết, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho khởi động lại một phần các chợ đầu mối cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, tạo điểm tập kết hàng hóa và chuyển hàng trực tiếp cho các tiểu thương, không cho phép tụ tập lấy hàng như trước đây. Tiểu thương chợ đầu mối là nơi nhận và chuyển hàng đi, không để các đơn vị bán lẻ đến cùng lúc.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, với nguồn thực phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn như hiện nay, mỗi ngày người dân thành phố sẽ có nguy cơ thiếu 3 triệu trứng gia cầm, 2.000 tấn rau củ quả.
Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp tạo mã nhận diện cho các tài xế vận chuyển thực phẩm thiết yếu vào khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, nhanh chóng đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, cung ứng thực phẩm kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế và đội ngũ vận chuyển hàng hóa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương bàn giải pháp thúc đẩy nhanh vòng kết nối chuỗi cung ứng này, tạo huyết mạch thông suốt cho hàng hóa nông sản, đảm bảo thực phẩm cho người dân 19 tỉnh, thành phố phía Nam sử dụng và ứng phó dịch bệnh, đại diện Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết./.