Để hỗ trợ các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 tại các tỉnh phía Nam, ngày 18/7, liên bộ Công Thương-Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 19 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư và hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch.
Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết nhìn chung thời gian qua, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống. Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop...
[Tăng gấp 3 lần lượng hàng hóa cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh]
Còn tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.
Ông Đông cho hay Vụ Thị trường trong nước đang theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi, tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh tại khu vực này.
Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do các nguyên nhân, như: Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng và điểm bán tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng.
Ngoài ra, chi phí nhân công tăng; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc; chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên; chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa…
Đánh giá tình hình chung, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, ông Diên đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo đời sống cho người dân.
Vẫn trên quan điểm cần mở lại chợ truyền thống, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý: Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả, hàng hoá tươi sống và thuốc men phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5k, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng... và thực hiện tiêm vắcxin cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Thông tin thêm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay hiện năng lực chợ truyền thống chỉ đáp ứng 50-60% sức mua hàng tươi sống của thành phố, còn lại là các cửa hàng tiện ích, tiện lợi.
“Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả nhích lên,” lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin đồng thời kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa.
Đề nghị không đóng cửa tất cả chợ truyền thống
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết dịch bệnh đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam, làm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động, do vậy, ông Hải đề nghị các địa phương cần nêu cao tinh thần phòng, chống dịch trong bối cảnh đặc biệt hiện nay.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu; có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về hai bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng nhau tháo gỡ.
"Các địa phương cần có trách nhiệm với Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung ứng lương thực nhưng thành phố cũng phải làm rõ nhu cầu của mình, vì có thể doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng chưa xác định được nhu cầu của từng địa điểm,” lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cập nhật thông tin nhanh nhất có thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát trực tiếp các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ các ý kiến phát biểu đều thống nhất đánh giá tình hình dịch biện diễn biến phức tạp, đòi hỏi các công tác chỉ đạo điều hành cũng cần nhanh, mạnh.
Do vậy, theo Bộ trưởng, nhiệm vụ giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là chung tay, đồng sức đồng lòng để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa, bởi thiếu thốn, người dân sẽ không đủ sức chống dịch. Trước mắt, lương thực-thực phẩm và hàng tươi sống là không thể thiếu.
Bộ trưởng nêu rõ cách ly xã hội lần này áp dụng với 19 tỉnh thành phố có tính chất khác hoàn toàn với lần trước đây, đòi hỏi yêu cầu cao về ý thức trách nhiệm và các giải pháp mà thực tiễn đặt ra.
“Bối cảnh hiện nay cần được xem như thời chiến để chúng ta phải tập trung rất cao lực lượng vừa chống dịch vừa đảm bảo điều kiện, đời sống cho lực lượng chống dịch cũng như người dân ở vùng giãn cách,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị cần giải quyết được câu chuyện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, bởi theo ông, “nếu mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương dựng lên một hàng rào thì việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn, lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sẽ khó đến được với người dân”.
6 nhiệm vụ chung của liên bộ
Từ đánh giá chung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hai ngành Công Thương-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất 3 quan điểm chỉ đạo.
Cụ thể, trong mọi tình huống, hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân các địa phương không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống và thuốc men.
Bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các địa phương 19 tỉnh thành phố. Tổ công tác tiền phương của hai bộ cùng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải phối hợp với nhau để các lực lượng trên địa bàn phải tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đồng thời tuân thủ sự chỉ đạo, khuyến cáo của hai bộ.
Bên cạnh đó, hai ngành, ba lực lượng ở địa phương cần đoàn kết thực hiện nhiệm vụ chung đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự điều phối của Tổ công tác tiền phương hai bộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, trong cuộc họp, lãnh đạo hai bộ cũng thống nhất 6 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, ông nhắc lại các địa phương cần khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho các Tổ công tác Tiền phương thuộc liên bộ kịp thời đưa ra những giải pháp giải quyết.
"Các địa phương phải thống kê được cái gì thiếu, cái gì đã có và cái gì cần cũng như xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, Ở mức độ cao nhất, Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương." Bộ trưởng nói.
Ông Diên đề nghị các địa phương chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
“Bằng mọi giải pháp, hai bộ Công Thương-Nông nghiệp cam kết kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông cho rằng muốn kết nối được phải nắm rõ đầu mối giao nhận, nhu cầu của địa phương từ khâu thu hoạch, vận chuyển, phân phối đồng thời khuyến cáo địa phương kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối kèm trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến hiện nay, ông Diên lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa các vùng với cả nước. Điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời.
Những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.
Về phía lực lượng Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, ông Diên nêu rõ phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu ngay trong hôm nay (18/7), Tổng cục Quản lý thị trường phải tăng cường lực lượng cho miền Nam; kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong đại dịch; phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…
Bên cạnh đó, ông đề nghị các địa phương và Tổ công tác Tiền phương thuộc hai bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân; thường xuyên trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai bộ, chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày./.