Dịch COVID-19: Triển vọng phát triển ngành thực phẩm, đồ uống

Thực phẩm và đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh và nhiều năm qua, luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng với tốc độ tăng dự báo từ 5-6%/năm từ 2020-2025.
Dịch COVID-19: Triển vọng phát triển ngành thực phẩm, đồ uống ảnh 1Cửa hàng tiện lợi là một trong những kênh bán lẻ hiệu quả. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Thực phẩm và đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025 như nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.

Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và các cam kết quốc tế đã ký giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... đã mở ra cơ hội xuất khẩu và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn; cũng như việc chuyển giao công nghệ và cải thiện trình độ khoa học kỹ thuật cho ngành này tốt hơn bao giờ hết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm và đồ uống cũng liên tục có sự chuyển mình theo hướng tích cực, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng gồm nhà, xưởng, kho tàng, bến bãi hay hiện đại hóa quy trình sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Dù đang đang trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đây cũng là thời điểm được cho rằng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ đối với ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam. Nhất là khi hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chú trọng hơn tới các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hay những thành phần dinh dưỡng lành mạnh, tiện dụng...

[Nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ bán hàng trở lại, giá cả ổn định]

Cùng với đó là sự dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà và những mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu... khiến cho dự báo nhu cầu tiêu dùng của một số nhóm thực phẩm đồ uống không ngừng tăng nhanh và được dự báo sẽ có nhiều bứt phá trong năm 2021 và nhiều năm tiếp theo.

Một khảo sát nhanh do Vietnam Report mới tiến hành cuối năm 2020 cho thấy, trước sức ép của dịch COVID-19, 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cũng như các thực phẩm sạch, lành mạnh... Trong khi đó, 63,7% khách hàng lại cắt giảm chi tiêu cho rượu, bia. Chính vì thực tiễn ấy, các doanh nghiệp ở ngành này đang phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp.

Theo đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm phải tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% nhưng trái lại các doanh nghiệp đồ uống phải giảm năng lực sản xuất xuống dưới mức 80% so với trước khi có đại dịch. Rõ ràng rằng, hầu hết các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống đã và đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam cho hay, lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống cho rằng quy mô doanh nghiệp trong ngành còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu nên khi gặp một cú sốc lớn như COVID-19 thường dễ vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự hay cắt giảm chi phí... Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản nên vẫn phát triển theo xu hướng "mạnh ai nấy làm" hay chủ yếu hoạt động theo mô hình "ngôi làng"...

Tuy nhiên, về cơ bản, nhu cầu ăn uống của con người là khó thay đổi, khi chấp nhận "sống chung với bão," doanh nghiệp cần đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường và điều quan trọng là doanh nghiệp học được gì từ những cú sốc như thế này?, ông Vinh nhấn mạnh.

Dịch COVID-19: Triển vọng phát triển ngành thực phẩm, đồ uống ảnh 2Người tiêu dùng mua sắm thực phẩm chế biến sẵn tại cửa hàng bán lẻ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hiện nay, chính nhờ COVID-19 đã tạo cú huých để gần 70% doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống tập trung mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số, ông Vinh cho biết. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý nên đã tỏ ra khá vững vàng trong khủng hoảng. Trừ những công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy buộc phải làm luân phiên theo ca còn tất cả các hoạt động khác của doanh nghiệp đều có thể được điều khiển và giám sát từ xa thông qua các phần mềm, ứng dụng và hệ thống camera như xuất kho, nhập kho, giao nhận, bán hàng, phân phối hay thậm chí là hội nghị, họp hành...

Cũng có rất nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống đang tận dụng dịp này để đẩy nhanh việc đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đổi mới từ hệ thống phân phối và điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại; phát triển các ứng dụng để tăng cường trải nghiệm khách hàng khi mua sắm hay đổi mới từ thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường; đổi mới từ việc phát triển các dòng sản phẩm để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hơn cho người tiêu dùng...

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho hay trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đang tiên phong tìm kiếm các giải pháp, hướng đi mới để sẵn sàng vượt lên đại dịch. Để hạn chế tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, sốt giá các nhà máy chế biến thực phẩm của Masan đang chạy hết công suất, đặc biệt là sản xuất thịt lợn. Nếu ở góc nhìn lạc quan, dịch bệnh COVID-19 chính là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại điện tử.

"Tập đoàn đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân lựa chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn có thể được phục vụ, chứ không cần trực tiếp đến các siêu thị mua sắm nếu có nhu cầu," ông Quang nhấn mạnh.

Trước thực tiễn của đại dịch và nhu cầu gia tăng của khách hàng, theo ông Vinh, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống cần tập trung ưu tiên cho một số chiến lược như tăng trưởng doanh thu, phát triển thị trường hiện tại, đẩy mạnh nghiên cứu và nâng chất sản phẩm, đa dạng hóa nguồn cung ứng (ưu tiên các nhà cung cấp trong nước); đồng thời mở rộng, phát triển các kênh phân phối trực tuyến (online) trên nền tảng thương mại điện tử. Đây là sự đúc kết từ chính những sai lầm, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19 trong năm qua, ông Vinh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục