Dịch COVID-19: Các bệnh viện công của Pháp cạn kiệt ngân sách điều trị

Chi phí điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 tại Pháp kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này ước tính hết khoảng 600-900 triệu euro (tương đương 652-980 triệu USD).
Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Chelles, Pháp ngày 22/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Chelles, Pháp ngày 22/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các bệnh viện công của Pháp đang oằn mình chịu gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Liên đoàn các bệnh viện Pháp (FHF), chi phí điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ước tính hết khoảng 600-900 triệu euro (tương đương 652-980 triệu USD).

Mặc dù ảnh hưởng với các bệnh viện ở mỗi khu vực là khác nhau, nhưng rõ ràng virus SARS-CoV-2 gây chi phí rất cao.

Cần rất nhiều kinh phí để thanh toán cho các mặt hàng như thiết bị bảo hộ và chăm sóc đặc biệt, chuyên sâu cũng như trả lương của nhân viên, nhiều người trong số đó phải làm thêm giờ để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

FHF kêu gọi giới chức Pháp đưa ra các đảm bảo tài chính để có thể trang trải cho những khoản chi y tế cũng như thu nhập có nguy cơ bị sụt giảm.

Tuần trước, Bộ Y tế Pháp cho biết sẽ dành ra khoảng 377 triệu euro trong đợt đầu tiên của gói viện trợ khẩn cấp cho chi phí điều trị COVID-19.

[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch]

Theo số liệu chính thức, tính đến hết ngày 27/4 (giờ địa phương), Pháp đã ghi nhận 23.239 ca tử vong trong tổng số hơn 130.000 ca mắc COVID-19, trong khi hơn 28.000 ca vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Theo kế hoạch, quốc gia đứng thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 tại châu Âu về số ca mắc COVID-19 này dự kiến sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch, được áp đặt từ ngày 17/3 đến hết ngày 11/5.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Đức, ngày 28/4, Berlin đã trở thành bang cuối cùng của nước này yêu cầu người đi mua sắm bắt buộc phải đeo khẩu trang kể từ ngày 29/4.

Trước đó, kể từ ngày 28/4, quy định đeo khẩu trang bắt buộc đã được áp dụng đối với hành khách đi các phương tiện giao thông công cộng như tàu, xe buýt tại 16 bang ở Đức, quốc gia đã có 6.126 ca tử vong trong tổng số 158.758 ca mắc bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục