Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.
Số lượng xe tăng cường sẽ được phân bổ theo ngày, theo tuyến tùy thuộc vào sự gia tăng của luồng hành khách. Tuy nhiên, thực tế, bên cạnh các nhà xe chưa hoạt động hết công suất thì vẫn còn tình trạng "cháy vé," nhà xe phải từ chối khách.
Theo báo cáo của các bến xe, đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các bến xe dự báo lượng khách đến bến có thể tăng 350% so với ngày thường nhưng thực tế không như vậy.
Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát Trần Mạnh Hà cho biết từ chiều tối 26 và ngày 27/4, lượng khách đến bến chỉ tăng khoảng 200-250%, không có doanh nghiệp nào tăng giá vé.
Để cạnh tranh với các loại xe Limousine, xe ghép, xe hợp đồng…, thu hút doanh nghiệp vận tải vào hoạt động trong bến, Bến xe Giáp Bát đã tổ chức sắp xếp phương tiện có khu vực chờ tài, khu vực xếp khách riêng biệt.
Nhờ sự phối hợp hỗ trợ của lực lượng chức năng, tình trạng xe dù, bến cóc xung quanh khu vực Bến xe Giáp Bát đã giảm hẳn; tình trạng xe bỏ bến cũng không còn nhiều như trước.
Mặc dù lượng hành khách đến các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm đông hơn các bến xe khác nhưng theo Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Vương Duy Dũng, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách đến bến rất vắng, đông nhất chỉ có các tuyến đi Lào Cai, Sa Pa, Sơn La, Điện Biên; các tuyến còn lại đều thưa thớt.
Dạo qua các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, lượng hành khách phân bổ không đều ở các tuyến, trong khi phần lớn các tuyến đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, thậm chí ở một số tuyến, nhà xe vẫn dài cổ chờ khách thì các tuyến như Mỹ Đình-Sơn La, Nước Ngầm-Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong buổi sáng 27/4, một số hành khách đến bến mua vé đều bị nhà xe từ chối vì hết vé, thậm chí có khách bị 3 nhà xe từ chối hay có khách đặt vé trước 3 ngày vẫn không có vé.
"Bị 3 nhà xe từ chối vì hết vé, cuối cùng tôi đành phải mua vé nằm giữa lối đi với giá 300.000 đồng, cao hơn giá giường nằm (250.000 đồng/vé). Các bến xe khác thoáng hơn nhưng không có tuyến về Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tôi đi tuyến buýt 74 về Mỹ Đình, nếu tại Bến xe Mỹ Đình bố trí mấy xe chạy Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì tôi và nhiều hành khách khác không phải bắt thêm xe để về Bến xe Nước Ngầm. Việc gom các xe chạy cùng tuyến về một bến chưa chắc đã hay, chỉ hay đối với nhà xe nhưng dở cho hành khách," một hành khách tại Bến xe Nước Ngầm than thở khi chờ lên xe về quê. Tương tự, tại Bến xe Mỹ Đình, anh Nguyễn Anh Quân (huyện Gia Lâm) bắt taxi sang Bến xe Mỹ Đình đi Sơn La nhưng thất vọng ra về vì nhà xe Bắc Sơn từ chối vì hết vé.
"Đây là nhà xe quen thuộc, tôi đã đặt vé trước mấy hôm rồi không được, nay ra Bến xe Mỹ Đình hỏi thì cũng hết vé. Giờ nếu muốn đi xe Limousine còn khó hơn vì đã hết vé từ lâu rồi," anh Quân phàn nàn.
Anh Đặng Hùng Tuấn chạy tuyến Mỹ Đình-Mộc Châu cho biết Công ty Cổ phần Xe khách Sơn La có gần 100 xe chạy từ Hà Nội đi các địa bàn của tỉnh, phần lớn hành khách đã đặt chỗ từ trước, thậm chí trước cả tháng. Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều nhà xe đã tăng cường xe. Riêng nhà anh có 2 xe đã dừng nhận khách từ 3 ngày trước.
Thực tế trên cho thấy việc bố trí luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh hiện nay vẫn còn bộc lộ những bất cập. Cùng với đó, việc tồn tại nhiều loại hình vận tải khách như limousine, xe ghép, xe hợp đồng, thậm chí "xe dù"… gây khó khăn cho cả nhà xe và hành khách.
Anh Trần Huy Ngát - Nhà xe Ngọc Sơn chạy tuyến Hà Nội-Hà Giang phàn nàn tối hôm qua đông nhưng nay (ngày 27/4), sắp đến giờ xuất bến mà xe mới có 10 khách/44 chỗ. Ngày thường, xe đông nhất cũng chỉ được 10 người.
"Bây giờ xe dù đỗ ngoài đường nhan nhản hút hết khách của xe trong bến, cơ quan chức năng phải xử lý triệt để tình trạng này thì nhà xe trong bến mới có đất sống," anh Ngát đề xuất.
Đánh giá về hoạt động vận tải khách liên tỉnh hiện nay, anh Vũ Văn Tú, lái xe khách Nam Định cho biết so với trước dịch COVID-19, lượng khách vào bến có cải thiện nhưng do hiện nay, người dân có nhiều lựa chọn nên số người đến bến hạn chế, dẫn đến nhà xe hoạt động trong bến rất khó khăn.
Hiện nhà xe mới hoạt động được trên 50% số chuyến ký kết với Bến xe Giáp Bát (30 chuyến/ngày), ngày cuối tuần tăng lên chút ít nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải tiết kiệm các loại chi phí để đảm bảo cuộc sống, trả lương cho lái xe, người lao động. Đợt này, các tuyến chạy huyện đạt 100% số ghế nhưng các tuyến về thành phố Nam Định, Ninh Bình chỉ đạt 50%.
Những hành khách đến các bến xe phần lớn tìm đến các nhà xe quen bởi được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, đưa đón đúng giờ, đúng địa điểm và không bị "bán khách" dọc đường hay nhà xe nhồi nhét vì bắt thêm khách.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến về chất lượng phương tiện cũng như tinh thần thái độ phục vụ. Tuy nhiên, các đợt phục vụ cao điểm vẫn bộc lộ những khó khăn, bất cập cần được các cơ quan quản lý, ngành chức năng cùng với các doanh nghiệp vận tải sớm khắc phục để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân đúng tinh thần "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"./.
Hà Nội đưa giải pháp quản lý chặt chẽ xe hợp đồng trá hình tuyến cố định
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tập trung quản lý, xử lý xe kinh doanh hợp đồng không tuân thủ quy định pháp luật.