Trong khi các khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, y dược luôn có điểm chuẩn cao ngất ngưởng thì các ngành nông-lâm-ngư và công nghiệp nhẹ lại trong tình trạng “ăn đong” sinh viên, điểm chuẩn chỉ lẹt đẹt ngang sàn.
Ngành nông-lâm-ngư “teo tóp”
Thông tin từ phòng đào tạo của hầu hết các trường khối nông-lâm-ngư cho thấy, hầu hết ở các ngành, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn là đủ điểm đỗ vào trường.
“Những năm gần đây, điểm chuẩn nguyện vọng một vào trường hầu như không có ngành nào vượt lên điểm sàn,” ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết.
Cũng trong cảnh tương tự, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thao của Đại học Tây Nguyên than thở: “Gần như không năm nào chúng tôi tuyển đủ chỉ tiêu. Các ngành Chăn nuôi thú y, Bảo vệ thực vật… có khi chỉ được 10 đến 20 sinh viên.”
Điểm chuẩn đầu vào thấp nhưng các trường này vẫn không giữ được thí sinh do các em không mặn mà. Theo ông Vui, tỷ lệ “đỗ ảo” của trường rất lớn, có ngành ảo tới 100%. Năm nào trường cũng phải gọi số trúng tuyển vượt so với chỉ tiêu vì phải “trừ hao” lượng sinh viên “đỗ ảo,” nhưng số học sinh đến nhập học ít khiến trường đau đầu và buộc phải bù đắp bằng tuyển nguyện vọng 2 và 3.
Đây cũng là tình trạng chung của các ngành khối nông-lâm-ngư của Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm Huế.
Việc khó tuyển sinh đã khiến các trường “chữa cháy” bằng cách đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm đào tạo giai đoạn 2006-2010, quy mô đào tạo của các trường đều tăng nhưng mất cân đối nghiêm trọng, các ngành kinh tế, tài chính tăng mạnh trong khi các ngành nghề chuyên môn lại giảm sút rất nhiều.
Trước thực trạng này, lãnh đạo các đại học khối nông-lâm-ngư đang kiến nghị Nhà nước có chính sách riêng để khuyến khích học sinh thi vào những ngành này giống như với ngành sư phạm trước đây.
Công nghiệp nhẹ sa sút
Không chỉ nông-lâm-ngư, các ngành công nghiệp nhẹ hiện nay cũng đang trong tình trạng báo động khi sinh viên không mặn mà.
Đã hai năm nay, Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh không mở nổi lớp cho ngành Công nghệ dệt sợi vì chỉ có vài thí sinh đăng ký.
Các ngành Công nghệ dệt và Công nghệ nhuộm cũng trong tình trạng “lay lắt” khi năm 2009 chỉ có khoảng 40 thí sinh nộp hồ sơ. “Chúng tôi phải huy động nguồn tuyển nguyện vọng 2 và 3 mới đủ một lớp 50 sinh viên,” ông Bùi Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây, ngành Gia dày của trường thường mở 2 lớp mỗi khóa nhưng năm học 2009-2010, chỉ được một lớp với 50 em.
Tình hình tuyển sinh của Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội còn ảm đạm hơn khi trường này gộp cả ba chuyên ngành dệt, sợi và nhuộm vào một lớp nhưng năm 2009 cũng chỉ tuyển được 11 em.
Công nghệ May trước đây vốn là thế mạnh của trường, điểm chuẩn luôn ở một trong những nhóm ngành cao nhất, nhưng những năm gần đây, trường phải lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ mà vẫn không đủ chỉ tiêu.
“Những ngành này điều kiện học tập vất vả, khi ra trường các em phải làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn và bụi nên học sinh không thích. Trong khi đó chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp thấp, lương chỉ ở mức trên 1 triêu/tháng nên dù trường đã cố gắng vẫn không tuyển nổi sinh viên,” bà Hiệu phó Phan Thị Cảnh cho biết.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhưng theo ghi nhận ban đầu từ các trường, thí sinh vẫn tập trung vào các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng. Theo đó, tình hình tuyển sinh của các ngành nông-lâm-ngư và công nghiệp nhẹ năm nay cũng khó có thể khá khẩm hơn./.
Ngành nông-lâm-ngư “teo tóp”
Thông tin từ phòng đào tạo của hầu hết các trường khối nông-lâm-ngư cho thấy, hầu hết ở các ngành, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn là đủ điểm đỗ vào trường.
“Những năm gần đây, điểm chuẩn nguyện vọng một vào trường hầu như không có ngành nào vượt lên điểm sàn,” ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết.
Cũng trong cảnh tương tự, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thao của Đại học Tây Nguyên than thở: “Gần như không năm nào chúng tôi tuyển đủ chỉ tiêu. Các ngành Chăn nuôi thú y, Bảo vệ thực vật… có khi chỉ được 10 đến 20 sinh viên.”
Điểm chuẩn đầu vào thấp nhưng các trường này vẫn không giữ được thí sinh do các em không mặn mà. Theo ông Vui, tỷ lệ “đỗ ảo” của trường rất lớn, có ngành ảo tới 100%. Năm nào trường cũng phải gọi số trúng tuyển vượt so với chỉ tiêu vì phải “trừ hao” lượng sinh viên “đỗ ảo,” nhưng số học sinh đến nhập học ít khiến trường đau đầu và buộc phải bù đắp bằng tuyển nguyện vọng 2 và 3.
Đây cũng là tình trạng chung của các ngành khối nông-lâm-ngư của Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm Huế.
Việc khó tuyển sinh đã khiến các trường “chữa cháy” bằng cách đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm đào tạo giai đoạn 2006-2010, quy mô đào tạo của các trường đều tăng nhưng mất cân đối nghiêm trọng, các ngành kinh tế, tài chính tăng mạnh trong khi các ngành nghề chuyên môn lại giảm sút rất nhiều.
Trước thực trạng này, lãnh đạo các đại học khối nông-lâm-ngư đang kiến nghị Nhà nước có chính sách riêng để khuyến khích học sinh thi vào những ngành này giống như với ngành sư phạm trước đây.
Công nghiệp nhẹ sa sút
Không chỉ nông-lâm-ngư, các ngành công nghiệp nhẹ hiện nay cũng đang trong tình trạng báo động khi sinh viên không mặn mà.
Đã hai năm nay, Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh không mở nổi lớp cho ngành Công nghệ dệt sợi vì chỉ có vài thí sinh đăng ký.
Các ngành Công nghệ dệt và Công nghệ nhuộm cũng trong tình trạng “lay lắt” khi năm 2009 chỉ có khoảng 40 thí sinh nộp hồ sơ. “Chúng tôi phải huy động nguồn tuyển nguyện vọng 2 và 3 mới đủ một lớp 50 sinh viên,” ông Bùi Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, trước đây, ngành Gia dày của trường thường mở 2 lớp mỗi khóa nhưng năm học 2009-2010, chỉ được một lớp với 50 em.
Tình hình tuyển sinh của Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội còn ảm đạm hơn khi trường này gộp cả ba chuyên ngành dệt, sợi và nhuộm vào một lớp nhưng năm 2009 cũng chỉ tuyển được 11 em.
Công nghệ May trước đây vốn là thế mạnh của trường, điểm chuẩn luôn ở một trong những nhóm ngành cao nhất, nhưng những năm gần đây, trường phải lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ mà vẫn không đủ chỉ tiêu.
“Những ngành này điều kiện học tập vất vả, khi ra trường các em phải làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn và bụi nên học sinh không thích. Trong khi đó chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp thấp, lương chỉ ở mức trên 1 triêu/tháng nên dù trường đã cố gắng vẫn không tuyển nổi sinh viên,” bà Hiệu phó Phan Thị Cảnh cho biết.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhưng theo ghi nhận ban đầu từ các trường, thí sinh vẫn tập trung vào các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng. Theo đó, tình hình tuyển sinh của các ngành nông-lâm-ngư và công nghiệp nhẹ năm nay cũng khó có thể khá khẩm hơn./.
Phạm Mai (Vietnam+)