Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway Forum - GGF) là diễn đàn toàn cầu về chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng nước ngoài hàng đầu của Ủy ban châu Âu (EC), diễn ra hôm 25-26/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Diễn đàn do Chủ tịch EC, Ursula von der Layen chủ trì, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao Liên minh châu Âu (EU) và gần 40 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước.
Với chủ đề “Cùng nhau mạnh mẽ hơn thông qua đầu tư bền vững," diễn đàn tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại 6 phiên thảo luận chuyên đề về thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào cơ sở hạ tầng bền vững.
Được công bố vào tháng 12/2021, chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU nhằm mục đích đầu tư 300 tỷ euro (hơn 316 tỷ USD) từ nay đến năm 2027 vào việc phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm trên toàn thế giới, như cơ sở sản xuất vaccine, đường sá và kết nối Internet tốc độ cao, số hóa vận tải, củng cố hệ thống y tế, giáo dục, nghiên cứu toàn cầu; từ đó thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
[Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu giúp đa dạng hóa các dự án đầu tư của EU]
Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch EC von der Leyen đã dẫn lời nhà thơ và chính khách người Đức, Johann Wolfgang von Goethe: “Ai không tiến thì sẽ thụt lùi.” Bà khẳng định diễn đàn là nơi để tất cả "cùng tiến" trong bối thế giới dường như "đang thụt lùi" những năm gần đây.
GGF diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và khó khăn hơn trước. Nguyện vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển đang đứng trước nhiều thách thức đến từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các điểm nóng quốc tế và khu vực, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine và gần đây là xung đột giữa Israel và Hamas.
Kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn dự kiến. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực tiếp tục diễn biến trầm trọng.
Thế giới đang vẫn trong quá trình hồi phục sau một trận đại dịch tàn phá cuộc sống, phá hủy sinh kế và cản trở nghiêm trọng hoạt động thương mại.
Theo bà von der Leyen, "đây là những thách thức to lớn ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta. Số phận của thế hệ hiện tại và tương lai phụ thuộc hơn bao giờ hết vào số lượng và chất lượng của cơ sở hạ tầng kết nối tất cả chúng ta.
Đầu tư vào năng lượng sạch và giá cả phải chăng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đầu tư vào các kỹ năng để trang bị tốt hơn cho người lao động trong công việc tương lai."
Chính vì vậy, Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu đề xuất các hướng đi mới trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Về kết nối số, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đánh giá kết nối số là giải pháp quan trọng để phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy đổi mới và sáng tạo.
Các đại biểu thống nhất các nguồn lực đầu tư mới cần được ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng số, nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, đồng thời đánh giá cao đóng góp của ngành y tế toàn cầu trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, các nước và tổ chức quốc tế đề nghị tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để phát minh các dược phẩm mới, nâng cao năng lực y tế để chống chịu tốt hơn với dịch bệnh trong tương lai.
Nhân dịp này, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro để nâng cao chất lượng hạ tầng y tế ở các nước kém phát triển.
Ngoài ra, EU cũng công bố thêm 134 triệu euro để tăng cường sản xuất trong nước và tiếp cận công bằng với các sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng dành cho Ai Cập (3 triệu euro), Ghana (32 triệu euro), Nigeria (18 triệu euro), Rwanda (40 triệu euro), Senegal (25 triệu euro) và Nam Phi (16 triệu euro).
Khoản tiền này sẽ bổ sung cho các hoạt động đang được triển khai của Sáng kiến Nhóm châu Âu về sản xuất và tiếp cận vaccine, thuốc và công nghệ y tế ở châu Phi (MAV+), do Chủ tịch Ursula von der Leyen phát động hồi tháng 5/2021 nhằm đáp lại lời kêu gọi mở rộng quy mô của các nhà lãnh đạo châu Phi.
Việc thực hiện sáng kiến này là ưu tiên chính trong chiến lược y tế toàn cầu của EU, tạo thành một phần cơ bản của chiến lược Cổng toàn cầu và Chương trình Nghiên cứu đổi mới của Liên minh châu Phi (AU)-Liên minh châu Âu (EU).
Khoản tài trợ bổ sung sẽ hỗ trợ việc tạo ra các hệ sinh thái bền vững để tiếp cận công bằng và sản xuất vaccine, thuốc và công nghệ y tế tại địa phương ở 6 quốc gia châu Phi.
Kể từ khi ra mắt, chương trình Cửa ngõ toàn cầu đã khởi động 89 dự án ở Mỹ Latinh, vùng Caribe, Trung Đông, châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara, và cam kết chi 66 tỷ euro. Gần một nửa số tiền này là các khoản viện trợ không hoàn lại. Nguồn tài trợ tư nhân sẽ được bổ sung vào chương trình.
Đó là các dự án sản xuất vaccine và thuốc ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Tại Mexico, Sanofi đã có những khoản đầu tư quan trọng vào việc sản xuất vaccine cúm.
Tại Bangladesh và Việt Nam, sáng kiến đã triển khai các dự án về năng lượng mặt trời, gió ngoài khơi và thủy điện với tổng giá trị hơn 1 tỷ euro. Lắp đặt cáp quang Internet dưới Biển Đen, tới Gruziavà Trung Á, kết nối mạng lưới đường sắt và điện của các quốc gia Tây Balkan, Moldova và Ukraine.
Là một trong 4 quốc gia đã thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước phát triển, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu euro cho Việt Nam nhằm giúp thực hiện các mục tiêu trong JETP.
Trưởng đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng về chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, trong đó khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm tham gia chung tay cùng với thế giới để giải quyết những vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng về điện gió và sản xuất hydro xanh, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ tiềm năng này với các quốc gia khác. Điều quan trọng là phải tạo ra hạ tầng để có thể vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, tiếp đó là phải chuyển giao công nghệ, để sản xuất được hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo, có như vậy mới tạo ra được nguồn nhiên liệu mới với giá rẻ.
Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải ưu tiên nguồn lực bao gồm con người và đầu tư tài chính, trong đó cần huy động cả tài chính của chính phủ và nguồn lực tư nhân.
Theo Phó Thủ tướng, tài chính xanh giúp các quốc gia hợp tác cùng nhau để tạo ra những cái mới như vaccine, với nghiên cứu công nghệ là chìa khóa. Để làm điều đó, cần phải hợp tác, cam kết một cách công bằng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam có kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19 và có những nhà khoa học sẵn sàng tham gia đóng góp nghiên cứu chung. Đây chính là cách thức mà Việt Nam đang triển khai trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng.
Lãnh đạo EC và các nước đối tác tiếp tục khẳng định Cửa ngõ toàn cầu là một trong những chiến lược quan trọng nhằm tăng cường phối hợp giữa EU, các quốc gia, tổ chức quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Đây cũng chính là sứ mệnh của chiến lược Cửa ngõ toàn cầu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn./.