Mạng Quốc tế đã đăng bài viết của Giáo sư Đinh Thuần - Giám đốc Trung tâm các vấn đề châu Âu của Đại học Phúc Đán cho biết trên cơ sở tự nhận thức được rủi ro khủng hoảng và sự lo lắng ngày càng gia tăng, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã không ngừng củng cố khái niệm “tự chủ chiến lược châu Âu” như một công cụ và điểm tựa để ứng phó với các vấn đề liên quan, quy tụ lòng người trong nội khối, chống lại áp lực bên ngoài.
Tuy nhiên, khi nhìn vào hiện tại, EU “thời kỳ hậu Merkel” đang phải đối mặt với hàng loạt mối lo bên trong và hiểm họa bên ngoài. Rõ ràng, EU chưa sẵn sàng đối phó với những biến số này và tương lai khu vực đang chứa đầy những đặc tính không xác định.
Cùng với sự xuất hiện của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz, thời điểm mà bà Angela Merkel, người đã nắm quyền 16 năm, nghỉ hưu đã bước vào giai đoạn đếm ngược. Đối với châu Âu và thế giới, điều này cũng có nghĩa là sự khép lại của một thời đại, và “thời kỳ hậu Merkel” của châu Âu đã bắt đầu.
Cùng với đó, việc Pháp với tư cách là một trong “hai động cơ chính của EU” cũng đã bước vào một mùa bầu cử mới, cộng thêm các diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, mâu thuẫn vốn có ở EU và thậm chí cả việc châu Âu ngày càng trở nên phức tạp, EU dường như đang bước vào một thời kỳ “trưởng thành” mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell Fontelles mới đây đã chủ động tiết lộ với bên ngoài những nội dung liên quan đến “Kim chỉ nam chiến lược” sắp được EU thúc đẩy thực hiện. Các tài liệu được tiết lộ cho thấy nguyện vọng bức thiết của EU về hội tụ nhận thức chung, củng cố tự cường nội khối, giành quyền tự chủ độc lập với bên ngoài.
[Châu Âu sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ Đức]
Kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến nay, EU đã không lúc nào khỏi lo lắng và suy nghĩ về sự suy yếu tổng thể của khối, các ý tưởng, quy định, kế hoạch và biện pháp với cốt lõi là theo đuổi “tự chủ chiến lược” dồn dập được đưa ra mấy năm gần đây đã chứng minh rõ ràng vấn đề này.
Những thách thức đương đại trong thời kỳ hậu Merkel
Trong thời kỳ Thủ tướng Merkel nắm quyền từ năm 2005 đến nay, EU đã trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng và cũng được ghi dấu ấn sâu đậm với “thương hiệu Merkel.”
Từ việc thúc đẩy Hiệp ước Lisbon để đối phó với cuộc khủng hoảng Điều ước Hiến pháp EU, đến việc giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu; từ việc kiên trì hòa giải quan hệ Nga-Ukraine một cách tự chủ, thúc đẩy ký kết và thực hiện hai “Thỏa thuận Minsk” trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine, đến đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Macron nhằm tái khởi động trục Pháp-Đức và ủng hộ “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu; từ việc kêu gọi “những ngày châu Âu hoàn toàn phụ thuộc người khác đã qua rồi” nhằm đối phó với sự đảo ngược chống toàn cầu hóa “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đến từ chối rõ ràng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc Đức và châu Âu phải chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ... Có thể thấy, bà Merkel đã dẫn dắt châu Âu hết khởi điểm mới này tới khởi điểm mới khác.
Khi đại dịch COVID-19 hoành hành và nội bộ EU phổ biến có tư duy “nhà ai người ấy lo”, bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chung tay phản đối đề xuất “quốc gia cần kiệm” và phát động quỹ phục hồi “Thế hệ tiếp theo của EU,” không chỉ chi viện cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh mà còn lưu lại ý tưởng phát triển nền tài chính chung cho EU trong tương lai.
Một mặt, phong cách làm việc tương đối thực dụng, hợp lý, không khoa trương và giải quyết gọn từng vấn đề của bà Merkel đã khiến bà được các phe khác nhau trong EU công nhận rộng rãi, điều này ở một mức độ nhất định đã định hướng cho việc hoạch định các chính sách đối nội, đối ngoại và hội nhập của EU.
Mặt khác, đặc điểm “phản ứng thụ động và lập kế hoạch thiếu chủ động” của bà Merkel trong mắt một số người và một số chính sách do bà thúc đẩy (chẳng hạn như chính sách gây tranh cãi về việc tiếp nhận người tị nạn, bị cáo buộc là đã đào sâu khoảng cách nhận thức giữa khu vực Đông và Tây Âu) đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy trong EU. Theo các cuộc thăm dò của EU, hầu hết người dân châu Âu cho rằng không nên tiếp tục “chủ nghĩa Merkel.”
Đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng và những thay đổi lớn trên thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, giới tinh hoa trí thức và các chính trị gia châu Âu đã phải xem xét và đánh giá lại những thay đổi và những điểm yếu của bản thân EU, dường như chúng diễn ra đồng thời với một loạt các cuộc khủng hoảng.
Trong sự đánh giá lại không ngừng đó, châu Âu đã không còn sự phấn khích từ sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, đã mất đi sự tự tin vào toàn cầu hóa kinh tế được chung tay thúc đẩy bởi cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thay vào đó là cảm giác lo lắng về tương lai ngày càng gia tăng, và châu Âu đang hoang mang về tương lai của chính mình.
Hồi tháng 10 vừa qua, De Castro, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu, đã kết luận trong báo cáo “Sự chuyển đổi của châu Âu trong một thế giới đang thay đổi” rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng dai dẳng, các cuộc khủng hoảng sẽ nối tiếp nhau và EU cần thực hiện thay đổi ở cấp độ tổng thể, làm rõ mức độ ưu tiên của các vấn đề cần giải quyết.
Địa giá trị, địa chính trị, địa kinh tế, địa công nghệ, địa kết nối, địa cầu quyển và sinh vật quyển là 6 lĩnh vực trọng tâm của EU trong 10 năm tới. Chỉ bằng cách thích ứng với những thay đổi cấu trúc này và hoàn thiện quản lý, EU mới có cơ hội tránh bị tụt hậu trong cạnh tranh toàn cầu.
Trước khi được chính thức được công bố vào ngày 11/12, một phần “Kim chỉ nam chiến lược” của Phó Chủ tịch Josep Borrell Fontelles đã được tiết lộ, trong đó đưa ra kết luận rằng “châu Âu đang trong quá trình thu hẹp về chiến lược.”
Tài liệu tóm tắt những thách thức chính mà EU phải đối mặt thành ba mục. Thứ nhất, phạm vi ảnh hưởng kinh tế của EU đã bị thu hẹp. 30 năm trước, EU sở hữu 1/4 tài sản thế giới và 20 năm sau, EU chỉ còn hơn 10%. Thứ hai, những thách thức mới ngoài khu vực, sự cạnh tranh trên chiến trường chiến lược của EU đang ngày càng trở nên khốc liệt. Thứ ba, lĩnh vực chính trị của EU đang bị siết chặt, “giá trị tự do” ngày càng bị nghi ngờ.
Lý tưởng thì đầy ắp, nhưng thực tế lại mỏng manh
Trên cơ sở những lo lắng về khủng hoảng ngày càng gia tăng, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và EU đã không ngừng hô hào và củng cố khái niệm “tự chủ chiến lược châu Âu” như một điểm tựa để ứng phó với các vấn đề liên quan, quy tụ lòng người và sức mạnh, chống lại áp lực và cạnh tranh của bên ngoài.
EU và các nước thành viên cũng đã đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp ứng phó với chủ đề nổi bật về “tự chủ chiến lược” một cách toàn diện và đồng loạt.
Từ đề xuất “châu Âu đa tốc độ” đến việc thành lập “Ủy ban địa chính trị” từ việc thực hiện “Chính phủ mới xanh”, sự ra đời của “Luật dịch vụ số,” “Luật thị trường” và “Luật trí tuệ nhân tạo” đến việc xuất bản “Chiến lược công nghiệp châu Âu mới”, từ việc sửa đổi “Luật chống bán phá giá,” xây dựng “Quy định phê duyệt đầu tư nước ngoài,” xây dựng và ban hành “Luật trợ cấp chính phủ nước ngoài”, đến thông qua các khuyến nghị lập pháp về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp…
Tất cả những nỗ lực này đã cho thấy cơ cấu “tự chủ chiến lược” châu Âu ngày càng trở nên thực chất, mặc dù nhiều nhận định rõ ràng là chưa thực tế và chưa đúng bản chất.
Theo quan điểm của EU, để tránh tự rơi vào tình trạng lúng túng “thu hẹp chiến lược”, khối này phải củng cố nền tảng bên trong, tăng cường “đồng thuận châu Âu” và sự gắn kết nội bộ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, tiếp tục tăng cường “tự chủ chiến lược.” Tuy nhiên nhìn quanh hiện tại, EU “thời kỳ hậu Merkel” đang phải đối mặt với hàng loạt mối lo bên trong và hiểm họa bên ngoài.
Nói cách khác, đối với EU, lý tưởng thì đầy ắp, nhưng thực tế lại rất mỏng manh.
Trước hết, động cơ Đức-Pháp có nguy cơ bị giảm tốc và thiếu lực đẩy. Một mặt, với sự ra đi của bà Merkel, rất khó để Đức và Pháp trong thời gian ngắn có thể tái hiện lại khung cảnh hoành tráng “Merk-ron” (Merkel-Macron) như trước đây.
Mặc dù ông Olaf Scholz, người kế nhiệm bà Merkel, không phải là một chính trị gia kỳ cựu, ông có kinh nghiệm của lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội và từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức.
Ông Scholz cũng hoàn toàn ủng hộ hội nhập châu Âu, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để ông giành được quyền lực như bà Merkel, thêm vào đó là ông lãnh đạo một chính phủ liên hợp gồm 3 đảng có nhiều khác biệt về quan điểm, và ông cũng cần phải có thời gian tiếp xúc và tạo dựng tình cảm cá nhân với nhà lãnh đạo Pháp.
Hơn nữa, cộng hưởng chung tần số mà trục Pháp-Đức đòi hỏi không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của cuộc đấu tranh của hai bên để cho ra ước số chung lớn nhất. Trong vụ tranh chấp liên quan đến thoả thuận quốc phòng ba bên AUKUS giữa Mỹ và Pháp gần đây, Đức không ủng hộ Pháp là điều đáng phải suy nghĩ.
Mặt khác, cuộc tổng tuyển cử của Pháp vào tháng 4/2022 đang đến gần và các ứng cử viên đang cạnh tranh trong cục diện “4 + 1.” Tổng thống đương nhiệm Macron, người đã tích cực thúc đẩy việc tái khởi động trục Pháp-Đức và hoàn toàn ủng hộ việc tự chủ chiến lược của châu Âu, dù có lợi thế tương đối nhưng vẫn không phải là người nắm chắc phần thắng.
Điều đáng nói, Pháp sẽ là Chủ tịch luân phiên của EU trong nửa đầu năm 2022. Đây không chỉ là cơ hội để ông Macron thu thập phiếu bầu cho cuộc bầu cử của mình và thúc đẩy hội nhập châu Âu, mà cũng có thể trở thành một “quả bom” làm trầm trọng thêm các nhân tố quan trọng liên quan.
Thứ hai, khi đại dịch COVID-19 tiếp diễn, sự phục hồi kinh tế của EU đang chịu áp lực và khoảng cách Bắc-Nam ngày càng nới rộng.
Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội châu Âu. Một số mâu thuẫn vốn có đã ngày càng gia tăng như giá năng lượng tăng cao, cung và cầu không khớp, lạm phát cao, chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Hàng loạt yếu tố đang hạn chế sự phục hồi bền vững của nền kinh tế châu Âu. Đặc biệt, dịch bệnh càng làm trầm trọng thêm khoảng cách kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc.
Nợ công lũy kế của các quốc gia như Italy và Hy Lạp ở Nam Âu đã lần lượt lên tới 160% và 210% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí vượt cả giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, lập kỷ lục lịch sử mới.
Thứ ba, rạn nứt giữa Đông và Tây Âu ngày càng gia tăng. Gần đây, các tranh chấp về độc lập tư pháp giữa Ba Lan và EU đã khiến châu Âu đầy sóng gió. EU cáo buộc Ba Lan đàn áp dân chủ, phá hoại độc lập tư pháp và động chạm đến nền tảng hội nhập châu Âu, phạt Ba Lan mỗi ngày 1 triệu euro, trừ vào tiền viện trợ quỹ phục hồi kinh tế mà lẽ ra Ba Lan được nhận.
Trong khi đó, Ba Lan cũng “chơi bài ngửa”, trong cuộc xung đột người tỵ nạn tại biên giới Ba Lan-Belarus, chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” huy động 15.000 cảnh sát giữ chặt biên giới, thậm chí còn xem xét việc “thoát khỏi EU.”
Nguồn gốc của những xung đột giữa các nước Đông Âu gồm Ba Lan và Hungary làm nòng cốt với các nước Tây Âu truyền thống là khá sâu sắc, có thể bắt nguồn từ việc “mở rộng nhanh chóng về phía Đông” của EU trong những năm 1990.
Các nước Trung và Đông Âu cố gắng tranh thủ hội nhập kinh tế EU một cách tự do để phát triển nền kinh tế của chính họ, nhưng họ thiếu quan tâm đến hội nhập chính trị EU. Đồng thời, an ninh khu vực chủ yếu dựa vào Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cộng thêm việc Mỹ thực hiện chính sách “trộn cát” trong nội bộ EU để thu hút các nước “châu Âu mới” đã khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.
Thứ tư, Mỹ và châu Âu tiếp tục bất hòa và “tự chủ chiến lược” của EU tiếp tục chịu sức ép. Những thay đổi đáng kể đã diễn ra trong quan hệ Mỹ-Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chính sách “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến “tâm lý kiêu ngạo” tự cho mình là trung tâm của EU.
Thậm chí, một loạt các biện pháp mà Mỹ thực hiện trong thời kỳ chính quyền của ông Trump thậm chí còn khiến EU với Đức và Pháp đứng đầu phải chán nản.
Từ những luận điểm này, có thể thấy rõ ràng EU trong “thời kỳ hậu Merkel” vẫn chưa sẵn sàng đối phó với nhiều biến số bên trong và bên ngoài, và hướng đi tiếp theo của khu vực này vẫn còn mang tính không xác định./.