"Diễn tập hải quân của Trung Quốc là lời cảnh báo"

Cuộc diễn tập hải quân của Trung Quốc ngày 19/10 nhằm thể hiện sức mạnh của các lực lượng quân sự và cảnh báo các đối thủ trong khu vực.

Ngày 19/10, Hải quân Trung Quốc bắt đầu các cuộc diễn tập hải quân mô phỏng một cuộc xung đột trên vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng tăng do hai bên đều tuyên bố chủ quyền một quần đảo ở vùng biển phía Đông Trung Quốc.

 

Báo Người hướng dẫn Khoa học Thiên chúa giáo (Mỹ) ngày 19/10 cho biết Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập hải quân ở vùng biển phía Đông ngày 19/10 nhằm thể hiện sức mạnh của các lực lượng quân sự và cảnh báo các đối thủ trong khu vực.

 

Trung Quốc thường xuyên tổ chức diễn tập hải quân vào mùa Thu, nhưng các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết cuộc diễn tập hải quân này liên quan đến tranh chấp lãnh thổ - nguồn gốc gây nên sự bùng nổ tức giận gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông Liu Jiangyong, Giáo sư khoa chính trị Nhật Bản tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định chưa bao giờ mối quan hệ giữa hai nước này trong 40 năm qua lại tồi tệ như hiện nay.

 

Tuy không có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn, nhưng Nhật Bản đang chuẩn bị và Trung Quốc cũng phải sẵn sàng. Chính phủ Nhật Bản cho biết mục đích chuẩn bị quân sự của nước này không phải nhằm thách thức Trung Quốc mà để ngăn chặn quần đảo này được bán cho Thị trưởng Tokyo - một quan chức có đầu óc dân tộc có thể sử dụng quần đảo này để chống Trung Quốc. Nhưng những lời giải thích đó không làm nguôi cơn tức giận của Trung Quốc.

["Cần 40 năm để khôi phục mối quan hệ Nhật - Trung"]

 

Hơn nữa, cuộc diễn tập Hải quân của Trung Quốc cũng diễn ra ở thời điểm khi lãnh đạo phe đối lập Nhật Bản Shinzo Abe và hai bộ trưởng Nội các đến thăm ngôi đền Yasukuni hồi đầu tuần. Ngôi đền thờ, tôn vinh những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, trong đó có 14 người bị kết tội tội phạm chiến tranh sau Chiến tranh Thế giới Thứ II - bị Trung Quốc coi là "biểu tượng của tội ác quân phiệt Nhật Bản" trong thời gian chiếm đóng khu vực kéo dài nhiều thập kỷ cho đến khi Nhật Bản thất bại năm 1945.

Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc khẳng định, chuyến thăm của các quan chức Nhật Bản sẽ làm các mối quan hệ song phương ngày càng xấu hơn.

 

Theo tuyên bố của quân đội Trung Quốc, cuộc diễn tập Hải quân này nhằm chuẩn bị cho một tình huống, trong đó các tàu thực thi pháp luật nước ngoài gây khó khăn và can thiệp các tàu hải giám và các tàu ngư chính của Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, kịch bản của cuộc diễn tập gồm một vụ va chạm, sau đó một tàu chiến Trung Quốc bị phá hủy và một số hải quân bị thương rơi xuống biển. Ngay lập tức Hải quân Trung Quốc phái một tàu khu trục, một tàu bệnh viện, tàu kéo, nhiều máy bay chiến đấu hiện đại và máy bay trực thăng đến cứu trợ khẩn cấp.

 

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng hải quân tổ chức diễn tập với cơ quan hải giám và ngư chính nhằm cải thiện sự phối hợp và khả năng của họ để đối phó với các trường hợp khẩn cấp. 11 tàu chiến và 8 máy bay tham gia diễn tập.

[Nhật lý giải việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku]

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông của Mỹ cũng cho biết Nhật Bản dự định tổ chức các cuộc diễn tập tương tự với Mỹ vào cuối năm nay, trong đó tập trung vào một tình huống tái chiếm một hòn đảo ở vùng biển xa bị nước ngoài xâm lược. Các chuyên gia cho rằng họ không nghĩ hai nước muốn gây nên chiến tranh. Mục đích chủ yếu của hai nước chỉ nhằm đe dọa lẫn nhau.

 

Ông Bonnie Glaser, quan chức cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Mỹ tại Washington nhận định đến nay các nước thù địch hạn chế sử dụng các loại vũ khí như đã xảy ra ngày 24/9 giữa các tàu Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và Đài Loan. Nhưng khi một bên bị nhiều tàu chiến đối phương bao vây, lúc đó khả năng sẽ dẫn đến xung đột.

 

Nhà phân tích về Trung Quốc Valérie Niquet thuộc Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Paris cho rằng vấn đề nguy hiểm hơn là: một vụ va chạm, một tàu bị chìm, hoặc một người tử vong sẽ dẫn đến xung đột khó có thể ngăn chặn, đặc biệt khi Trung Quốc và Nhật Bản không có các quy định chế tài để quản lý các cuộc khủng hoảng trên biển. Do đó, cuộc diễn tập Hải quân của Trung Quốc cũng là lời cảnh báo đối với tất cả các nước trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục