Ánh sáng lạ ở bản AIDS

Điện thoại di động thắp sáng niềm tin "bản Siđa"

Người dân phải thắp sáng bằng đèn dầu vào buổi tối do điện lưới quốc gia chưa kéo tới nhưng điện thoại di động lại khá  phổ biến...
Người dân phải thắp sáng bằng đèn dầu vào buổi tối do điện lưới quốc gia chưa kéo tới nhưng điện thoại di động lại được dùng phổ biến. Đây là chuyện thật khó tin tại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Bản Poọng là địa danh đặc biệt ở Mường Lát - một trong những huyện vùng cao nghèo nhất của cả nước. Khoảng 50% người dân trong bản vẫn thuộc diện hộ nghèo và hầu hết thanh niên bị nghiện ma túy, “dính” HIV. Người dân ở Mường Lát gọi bản Poọng này với cái tên “bản Siđa” cũng bởi lý do nêu trên.

Thậm chí, người ở các xã khác còn đồn đại đàn ông ở bản này đã chết hết vì bệnh AIDS. Thêm vào đó, bản Poọng chưa có điện lưới quốc gia nên một hình ảnh lạc hậu và tăm tối luôn hiện lên mỗi khi nhắc đến nơi này.

Thế nhưng, ở cái bản không điện ấy lại có một thứ “ánh sáng lạ.” Trong đêm, người đến đây sẽ thường xuyên gặp cảnh người dân soi đường bằng những “chiếc đèn pin nhỏ” mà khi lại gần mới nhận ra là điện thoại di động.

Còn ban ngày, người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh một người dân trong bộ dạng lam lũ, gọi di động oang oang hoặc nhắn tin tanh tách trên bàn phím điện thoại. 

Ở một bản vùng cao, thuộc diện đặc biệt khó khăn như bản Poọng (Mường Lát), người ta thường hình dung về hình ảnh của những cậu bé cởi truồng chơi trước cửa, đèn dầu, những con đường ghập gềnh, ruộng bậc thang… chứ ít ai nghĩ về đồ công nghệ cao, trước đây vốn chỉ dành cho nhà giàu như điện thoại di động.

Thêm vào đó, xét về logic thông thường, chỉ khi có điện lưới thì hạ tầng viễn thông mới có thể hoạt động được. Thế nhưng, “bản Siđa” dù chưa có điện vẫn có rất nhiều điện thoại di động.

Rất ít người dân biết rằng, để sóng di động có thể phủ khắp những bản không điện như bản Poọng, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã phải đầu tư nhiều biện pháp kỹ thuật đặc biệt về vùng phủ, thậm chí chạy máy nổ ở một số nơi để duy trì hoạt động cho trạm thu phát.

Xét về kinh doanh, điều này sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, lãnh đạo của tập đoàn này lại có suy nghĩ khác.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ: “Ai cũng biết công nghệ thông tin là nhân tố trực tiếp thúc đẩy thay đổi cuộc sống. Nhưng ở Việt Nam, có một thực tế là hàng chục triệu người cần đến những lợi ích mà công nghệ thông tin đem lại nhưng họ không có cơ hội được hưởng những lợi ích này vì không đủ tiền để mua. Là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Việt Nam, Viettel mong muốn dùng chính sức mạnh của mình để người dân được tiếp cận với công nghệ mà không cần đợi đến khi họ có đủ khả năng chi trả. Xét về mặt hiệu quả, xã hội sẽ phát triển hơn vì có thêm nhiều người thoát nghèo nhờ một phần tác động của viễn thông.”

Vị lãnh đạo  này bổ sung, nếu có thêm ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng những sức mạnh riêng của mình để giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo thì xã hội sự phát triển chung của xã hội sẽ được đẩy mạnh hơn rất nhiều.

Ông Lương Văn Bường - Chủ tịch huyện Mường Lát thì cho biết, việc người dân ở cả những bản cực nghèo vẫn có thể mua và sử dụng điện thoại di động thể hiện sự phát triển của kinh tế nơi đây. Tuy nhiên, vị lãnh đạo huyện này nhận xét, ngay cả người dân ở bản Poọng - một nơi cực nghèo và chưa có điện, cũng được dùng điện thoại di động là một điều đặc  biệt bởi trước đó chỉ vài năm, chẳng ai mơ tới thứ đồ được coi là xa xỉ này.

“Từ khi có sóng di động, người dân liên lạc với nhau rất dễ dàng, biết thêm nhiều thông tin cần thiết mà không cần phải đi xa. Nhờ di động, làm ăn, buôn bán ở Mường Lát cũng dễ dàng hơn dù đường sá đi lại vẫn còn khó khăn. Điện thoại di động đã góp một phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở đây”,  vị chủ tịch huyện nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý khác là việc Viettel phủ sóng ở các bản cực nghèo của huyện Mường Lát không thuộc phạm vi của chương trình 30A (giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ) mà tập đoàn này đang thực hiện tại đây.

Nguồn tin từ Viettel cho biết, những lãnh đạo của tập đoàn này có mơ ước sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mật độ điện thoại cao nhất thế giới và việc phổ cập di động ở “bản Siđa” là một trong những bước đi nhằm thực hiện mục tiêu đó./.

Ly Hoàng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục