Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cảnh báo: “Nếu không điều chỉnh chính sách an sinh xã hội, lương hưu kịp thời, Việt Nam sẽ gặp những cú sốc lớn trong tương lai”.
Đây là nhận định được đưa ra tại Khóa tập huấn khu vực về lương hưu cho người cao tuổi trong ASEAN do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.
Theo ông Bùi Sỹ hợi, hiện nay ở Việt Nam số người hưởng lương hưu chỉ có 2,2 triệu người và hơn 2 triệu người cao tuổi đang hưởng chính sách bảo trợ chỉ 270.000 đồng/tháng, trong khi cả nước có tới hơn 16 triệu người trên 60 tuổi.
Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp còn thấp nhưng việc mở rộng đối tượng người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội để về già có lương hưu cũng đang là vấn đề khó khăn.
“Ngay trong hệ thống bảo hiểm xã hội của chúng ta theo quy định trong Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội vẫn còn có tới 6 triệu người phải tham gia nhưng không tham gia. Điều đáng buồn là cứ mỗi năm có hơn 1 triệu người lao động mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thì cũng có 500.000 người ra khỏi hệ thống bằng chính sách bảo hiểm xã hội một lần,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Trong khi hệ thống an sinh xã hội trụ cột là hệ thống bảo hiểm xã hội chưa bao phủ được hết người lao động thì già hóa dân số diễn ra rất nhanh ở Việt Nam. Sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Dự ước đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số và đến năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam trở thành quốc gia “siêu già” với hơn 32 triệu người cao tuổi (31% tổng dân số), điều này đồng nghĩa với việc cứ ba nhân lực trong độ tuổi lao động sẽ có một người cao tuổi.
Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số, cũng như đảm bảo toàn dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lớp người đã bắt đầu bước sang tuổi 60 của nam và trên 55 đối với nữ. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, đặc thù tính chất của từng ngành nghề…/.