Điều gì đang chờ đợi thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore?

Ban lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore nhấn mạnh cuộc khủng hoảng sau khi Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt rút lui khỏi vị trí ứng viên chức Thủ tướng sẽ không thể phá vỡ tinh thần đoàn kết.
Điều gì đang chờ đợi thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore? ảnh 1Ông Vương Thụy Kiệt. (Nguồn: businesstimes.com.sg)

Báo The Straits Times (Singapore) đã đăng bài phân tích về tương lai của thế hệ lãnh đạo thứ tư (4G) của Singapore, sau khi Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt quyết định rút lui khỏi vị trí ứng cử viên sáng giá cho chức thủ tướng khi nhà lãnh đạo Lý Hiển Long nghỉ hưu.

Hai năm rưỡi sau khi các bộ trưởng thế hệ thứ tư của Singapore chỉ định ông Vương Thụy Kiệt là nhà “lãnh đạo,” và chỉ chưa đầy 2 năm kể từ khi được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng để chuẩn bị cho công việc lãnh đạo đất nước, Vương Thụy Kiệt đã quyết định rút lui. Thông báo này đã gây sốc cho nhiều người Singapore, cũng như các đồng nghiệp của ông.

Trong tuyên bố được đưa ra sau đó, ban lãnh đạo thế hệ thứ tư cho biết họ tôn trọng và chấp nhận quyết định của ông Vương Thụy Kiệt, nhưng thay đổi bất ngờ này là một trở ngại cho việc lập kế hoạch kế nhiệm, đồng thời gây lo lắng trong dư luận.

Các lãnh đạo thế hệ thứ tư kêu gọi sự ủng hộ và thông cảm của người dân trong quá trình lựa chọn một nhà lãnh đạo khác.

Ban lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục làm việc với tư cách là một nhóm đoàn kết để phục vụ đất nước và giành được sự tin tưởng cũng như tín nhiệm của tất cả người dân Singapore.

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền từ lâu đã coi việc lập kế hoạch kế nhiệm là một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của Đảo quốc Sư tử và tác động của nó đối với nền chính trị Singapore không chỉ dừng lại ở kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái, chứng kiến PAP mất 8,7 điểm % phiếu bầu.

Quyết định của Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt khi từ bỏ vai trò lãnh đạo nhóm 4G một tuần trước sinh nhật lần thứ 60 của mình để nhường chỗ cho một người trẻ hơn và có thời gian cống hiến lâu hơn cũng được cho là do chất “xúc tác” đại dịch.

[Phó Thủ tướng Singapore rút khỏi ban lãnh đạo thế hệ thứ tư]

Trong lá thư gửi Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Vương Thụy Kiệt nói rằng nếu ông trở thành Thủ tướng tiếp theo, ông sẽ còn quá ít thời gian vào thời điểm mà Singapore cần một nhà lãnh đạo trẻ hơn, người có thể giải quyết những thách thức to lớn đặt ra trong một thế giới hậu COVID-19.

Ghi nhận vai trò quan trọng của Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt trong việc lãnh đạo nhóm 4G và trong những nỗ lực như tái cơ cấu kinh tế cũng như phong trào Singapore Together nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc hoạch định chính sách, Bộ trưởng Giáo dục Lawrence Wong nhấn mạnh ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ về sự hợp tác với các thành viên khác trong ban lãnh đạo và phong cách lãnh đạo tham vấn.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết việc lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của nhóm 4G là một quá trình có thể kéo dài nhiều tháng, nhưng không quá 2 năm.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Chan Chun Sing cho biết thêm rằng quá trình này "luôn là quá trình tìm kiếm và thành lập một đội ngũ mạnh nhất có thể... để Singapore có cơ hội tốt nhất vượt qua mọi khó khăn của lịch sử để không chỉ tồn tại mà còn phát triển thịnh vượng."

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ong Ye Kung nhấn mạnh đây không phải là cách PAP xem xét ai trước, ai sau, hay vị thế cạnh tranh tương đối của mỗi cá nhân.

Thay vào đó, "chúng tôi cùng hướng về một đội, làm việc cùng nhau, bổ sung cho nhau. Và chúng tôi có thiếu sót ở đâu, tất cả chúng tôi đều cùng làm, cùng hỗ trợ nhau."

Ông nói thêm: "Theo thời gian, các thành viên tập hợp xung quanh một người nào đó mà sau đó sẽ trở thành nhà lãnh đạo, người số 1 trong số những người ngang nhau. Người đó không có nghĩa là ông chủ chỉ đạo mọi người làm việc, mà (là) người có thể làm tốt nhất phát huy tài năng và thế mạnh của mọi người và trở thành người xây dựng đội ngũ."

Ban lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore luôn nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng sẽ không thể phá vỡ tinh thần đoàn kết và gắn kết, đặc biệt là trong bối cảnh tranh giành quyền lực trong nhiều hệ thống chính trị ở những nơi khác khi sự kế thừa thường rất thiếu tính minh bạch.

Thủ tướng Lý Hiển Long viết trên trang Facebook: "Vương Thụy Kiệt, ông đã luôn phục vụ Singapore với sự chân thành và siêng năng. Quyết định của ông hôm nay là một lời nhắc nhở xác đáng rằng Singapore không phụ thuộc vào cá nhân một con người - mà phụ thuộc vào tất cả chúng ta, cách chúng ta cùng nhau làm việc, để mang lại kết quả tốt nhất cho đất nước Singapore"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục