Điều gì khiến Trung Quốc đẩy mạnh 'thanh lọc' hệ thống ngân hàng

Lo ngại giao dịch nội gián, khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi và quản trị công ty lỏng lẻo sẽ đe dọa sự ổn định tài chính trong khu vực và ở địa phương khiến Chính phủ Trung Quốc quyết tâm chấn chỉnh.
Điều gì khiến Trung Quốc đẩy mạnh 'thanh lọc' hệ thống ngân hàng ảnh 1Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2021 là một năm tồi tệ đối với các tên tuổi lớn của Trung Quốc. Sau khi nhiều doanh nhân tỷ phú bị “săn đuổi” và hình ảnh một số nghệ sỹ trong làng giải trí biến mất khỏi Internet, đến lượt một loạt nhà tài phiệt cảm nhận sức nóng.

Những thay đổi về quy định đối với các hành vi sai trái trong khu vực tư nhân đã được nới rộng đến cả các doanh nhân có quan hệ thân thiết với hệ thống ngân hàng.

Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này là do chính phủ lo ngại các giao dịch nội gián, khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi và quản trị công ty lỏng lẻo sẽ đe dọa sự ổn định trong khu vực và tại địa phương của hệ thống tài chính nước này.

Những “lỗ hổng” trong hệ thống tài chính ngân hàng

Trong số những công ty bị ảnh hưởng, nổi bật nhất có lẽ là Evergrande - nhà phát triển bất động sản đang ngập trong nợ nần.

Evergrande nắm giữ 36% cổ phần của Shengjing Bank, một ngân hàng địa phương có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh.

Giới chức Trung Quốc được cho là đang điều tra xem liệu khi Evergrande nắm quyền kiểm soát Shengjing Bank với khối tài sản lên đến 1 triệu nhân dân tệ (156 tỷ USD), tập đoàn này có sử dụng các phương tiện tài chính bất chính hay không.

[Lợi nhuận của ngân hàng Trung Quốc giảm lần đầu từ khủng hoảng 2008]

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang tìm hiểu về một số khoản trao đổi trị giá 100 tỷ nhân dân tệ của Evergrande trong giao dịch với các bên liên quan.

Cuộc khủng hoảng Evergrande là hồi chuông cảnh báo thúc giục Bắc Kinh chỉnh đốn lĩnh vực bất động sản trong nước, với hy vọng sẽ phá bỏ lối mòn mà lâu nay các nhà phát triển nước này vẫn dựa vào để tạo ra một mô hình kinh tế hoàn toàn mới.

Từ đầu tháng Chín vừa qua, “gã khổng lồ” bất động sản này đã đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. May mắn là Evergrande liên tiếp "thoát hiểm" vào phút chót.

Đầu tháng 11, theo nguồn tin từ hãng tin Nikkei, khách hàng của công ty thanh toán bù trừ quốc tế Clearstream đã nhận được tiền lãi đối với 3 loại trái phiếu định danh bằng USD do Evergrande phát hành.

Trước đó vào cuối tháng 10, một số trái chủ của Evergrande đã nhận được khoản thanh toán lãi suất 45,2 triệu USD cho một trái phiếu có lãi suất 9,5% đáo hạn vào năm 2024 trước khi thời gian gia hạn 30 ngày kết thúc vào ngày 29/10.

Trong tháng Chín, Evergrande cũng một lần thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi thanh toán kịp thời khoản lãi suất trị giá 83,5 tỷ USD của một trái phiếu đến hạn ngày 23/9 trước khi thời gian gia hạn kết thúc 23/10.

Xem xét lịch sử phát triển của Trung Quốc vài chục năm trở lại đây có thể thấy ngành bất động sản đóng một vai trò rất quan trọng.

Theo ước tính, tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế Trung Quốc của ngành bất động sản có thể lên tới 25%.

Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa cho phép tư nhân sở hữu nhà ở, giá nhà ở tại nước này liên tục tăng và khi đóng góp của ngành bất động sản được tính vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chính quyền các cấp ở Trung Quốc còn vui mừng hơn.

Trong một hoặc hai năm qua, bất chấp việc chính phủ liên tục đưa ra chính sách kiềm chế, bất động sản vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.

Điều tra của hãng tin BBC (Anh) cho thấy lĩnh vực bất động sản chiếm 25-30% GDP của Trung Quốc, trong khi tại hầu hết các nước khác chỉ chiếm chưa đến một nửa con số này.

Tại Trung Quốc, các hộ gia đình dành 80% của cải cho bất động sản, còn ở Mỹ và Anh, tỷ lệ này có thể chưa tới 40%.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong gần 20 năm qua, quy mô nợ của Trung Quốc đã tăng từ 120% lên 335% GDP.

Trong số đó, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng nhanh nhất. Số liệu cũng cho thấy các khoản nợ tăng lên chủ yếu đến từ bất động sản.

Có thể thấy mô hình "tài chính bất động sản" dẫn đầu thế giới của Trung Quốc đã tạo nên sự thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà phát triển bất động sản sau khi được chính quyền giao đất có thể vay ngân hàng, tiếp đó họ sẽ ký hợp đồng với công ty kinh doanh bất động sản và bán trước cho người mua.

Vòng tuần hoàn cứ diễn ra như vậy, các mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế đan xen với nhau.

Mối quan tâm của giới chức Trung Quốc dường như không phải là nhà sau khi xây xong có người ở hay không mà là bất động sản có tạo ra thành tích bề nổi thông qua số liệu kinh tế mới hay không?

Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những công trình chưa hoàn thiện và những “thành phố ma” (không có người ở), cộng thêm việc Trung Quốc mấy năm lại đây liên tục đưa ra chính sách chỉnh đốn thị trường bất động sản, mô hình phát triển tài chính bất động sản độc đáo kiểu Trung Quốc ở chừng mực nào đó đã đạt điểm giới hạn.

Bất động sản tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế, đồng thời cũng trở thành nhân tố lớn nhất gây bất ổn và cuộc khủng hoảng Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Một trường hợp đáng chú ý khác liên quan đến HNA Group. Tập đoàn đa ngành này đã tiếp quản ngân hàng Yingkou Coastal Bank ở Liêu Ninh vào năm 2014.

Sau khi tiếp quản Yingkou Coastal Bank, HNA đã đưa các nhà lãnh đạo mới vào ngân hàng này và biến đây thành nơi sản xuất các sản phẩm “ngân hàng bóng tối” để cung cấp cho chính HNA và các nhóm liên quan một lượng tín dụng dồi dào.

Kết quả là tài sản của Yingkou Coastal Bank đã tăng gấp ba lần vào năm 2016 và trở thành ngân hàng phát triển nhanh nhất Trung Quốc trong năm đó, trước khi gần như sụp đổ với tuyên bố phá sản của HNA hồi tháng 2/2021.

Ông Chen Feng, đồng sáng lập và Chủ tịch của HNA, cùng giám đốc điều hành của tập đoàn này, đã bị bắt vào tháng 9/2021.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng hơn, gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với ổn định kinh tế ở một số tỉnh thuộc Trung Quốc, đặc biệt là những tỉnh thuộc “Vành đai rỉ sét” như Liêu Ninh.

Sự thống trị của "những cổ đông có vấn đề"

134 ngân hàng thương mại ở vùng đô thị và khoảng 1.400 ngân hàng thương mại ở khu vực nông thôn chiếm đến khoảng 32% lĩnh vực ngân hàng thương mại của Trung Quốc, với tổng tài sản lên đến 90 triệu nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD.

Con số này tương đương quy mô của gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng Vương quốc Anh.

Những ngân hàng này hoạt động dưới “cái bóng” của 6 ngân hàng lớn cấp quốc gia và 12 ngân hàng cổ phần, chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước.

Không giống các ngân hàng lớn hơn, trong hầu hết thập kỷ qua, nhiều ngân hàng ở các cấp thấp hơn tại Trung Quốc đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân lớn, nhiều đến mức phải chịu sự chi phối của họ.

Hậu quả là trong những năm gần đây, một số ngân hàng đã trở thành nạn nhân của các khoản nợ khó đòi và thất bại trong quản lý rủi ro, thường được cho là do các biện pháp khuyến khích sở hữu sai lệch.

Điều này đã làm dấy lên mối quan tâm của các cơ quan quản lý, khiến chính phủ phải thực hiện một cuộc cải cách để loại bỏ cái mà họ gọi là “những cổ đông có vấn đề” ra khỏi các ngân hàng.

Ngày 15/10, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra các quy tắc nhằm tăng cường giám sát đối với những đối tượng được coi là cổ đông kiểm soát của các ngân hàng.

Theo China Daily, cơ quan ngôn luận của Chính phủ Trung Quốc, những biện pháp này được áp dụng cho bất kỳ ai nắm giữ 10% cổ phần trở lên trong các ngân hàng địa phương, hoặc những người nắm giữ cổ phần lớn nhất trong ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm, với quyền sở hữu không dưới 5%. Mục đích là để loại bỏ sự chồng chéo trong các lợi ích liên quan.

Nếu các cổ đông của doanh nghiệp thực sự có vấn đề, cơ quan chức năng sẽ nhúng tay vào.

The Economist tính toán rằng trong số 107 ngân hàng thương mại công bố thông tin tài chính cho năm 2020, 72 ngân hàng với tổng tài sản khoảng 20,2 triệu nhân dân tệ có cổ đông lớn là các công ty, nhiều trong số đó là các nhà phát triển bất động sản và sản xuất chế tạo. 22 ngân hàng trong số này chịu kiểm soát hoàn toàn bởi các tập đoàn và tài phiệt, hoặc cho đến khi họ bị buộc phải tái cơ cấu gần đây.

Tuy nhiên, ngay cả những ngân hàng có nhiều hơn một cổ đông lớn cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý.

Các nhà chức trách có thể đang xem xét kỹ lưỡng cách các nhà đầu tư cạnh tranh với nhau để được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, mức độ sở hữu của các doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng thương mại ở khu vực nông thôn thậm chí còn mở rộng hơn nữa - đến mức khiến một số nhà nghiên cứu phải sửng sốt.

Chuyên gia Wang Chunyang thuộc trường Đại học Bắc Kinh đã khảo sát 1.295 ngân hàng nông thôn và thấy rằng 1.122 ngân hàng trong số đó, tương đương 87%, có cổ đông lớn nhất là các công ty tư nhân.

Ngoài ra, có tới 39,4 triệu nhân dân tệ trong khối tài sản của hệ thống ngân hàng nông thôn có thể đang bị kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng bởi các thành phần kinh tế tư nhân.

Đối với các ngân hàng này, việc xác định sớm các vấn đề là một thách thức.

Chuyên gia Ruan Tianyue thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cho biết, những ngân hàng nhỏ hơn có khả năng che giấu các khoản nợ khó đòi hơn, từ đó tạo ra những điểm mù nhất định.

Tuy nhiên, bản thân quyền sở hữu tư nhân của các ngân hàng không phải là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Một số ngân hàng do tư nhân nắm giữ, chẳng hạn như ngân hàng Zhongbang mới được thành lập, đã hoạt động tốt. Về phần mình, nhiều tổ chức cho vay nhỏ do chính phủ kiểm soát đã chứng minh khả năng kiểm soát rủi ro triệt để.

Dù vậy, ở các ngân hàng thiếu quản trị doanh nghiệp sẽ xuất hiện rủi ro là chủ sở hữu lợi dụng quyền lực để trích ra các khoản vay với điều kiện ưu đãi, làm suy yếu hệ thống quản lý rủi ro và làm tăng mức độ nợ xấu.

Điều này có thể gây ra hậu quả kinh tế. Một số chuyên gia ví tình trạng của các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc với tình trạng của hơn 1.000 tổ chức tiết kiệm và cho vay đã sụp đổ ở Mỹ vào giữa những năm 1980 do chính phủ thực hiện siết chặt các quy định cho vay.

Bên cạnh Evergrande, công ty đã buộc phải bán một số cổ phiếu của mình ở Shengjing, ngân hàng Gansu niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc) đã phải cầu cứu một gói cứu trợ vào năm ngoái, sau khi thực hiện cho vay và đầu tư mạnh vào chứng khoán nợ của một trong những cổ đông mà cuối cùng đã vỡ nợ.

Ngoài ra ngân hàng Jinzhou ở phía Đông Bắc cũng phải yêu cầu tái cơ cấu khẩn cấp sau khi cổ đông lớn nhất của họ, đã không còn khả năng trả nợ sau nhiều lần gia hạn khoản vay.

Vào tháng Chín, cổ phiếu của ngân hàng Fuxin đã được rao bán trong một cuộc đấu giá trực tuyến nhằm giúp huy động vốn sau khi một nhà phát triển bất động sản có cổ phần trong ngân hàng không còn khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, ngân hàng Langfang cũng đối mặt với khả năng nợ xấu gia tăng sau khi cổ đông lớn thứ hai của họ là China Fortune Land vỡ nợ khoản trái phiếu 5,3 tỷ nhân dân tệ vào đầu năm nay.

Chính phủ sẽ lựa chọn thế nào?

Có thể thấy các cơ quan quản lý đang thực hiện một số cách tiếp cận thận trọng để loại bỏ những chủ sở hữu không lành mạnh, với mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Cách tiếp cận đầu tiên bao gồm việc loại ra những cổ đông có vấn đề. Vào giữa năm 2020, cơ quan quản lý ngân hàng đã công bố danh sách 38 “cổ đông bất hợp pháp” buộc phải thoái vốn. Các cách tiếp cận khác bao gồm tạm giữ để điều tra và thậm chí là tử hình.

Cai Guohua, cựu Chủ tịch ngân hàng Hengfeng, đã bị tuyên án tử hình vì các hoạt động cho vay bất hợp pháp, bên cạnh một số tội danh khác.

Có một điều chắc chắn đó là giới chức sẽ không có ý định đẩy tất cả các cổ đông tư nhân ra khỏi hệ thống ngân hàng, nhưng họ đang muốn đảm bảo rằng các cổ đông lớn nhất sẽ đến từ khu vực nhà nước, chuyên gia Lian Ping thuộc ngân hàng Bank of Communications, một ngân hàng lớn của Trung Quốc, cho biết.

Điều này sẽ tạo ra một sự biến động trong toàn ngành, xét đến mức độ phổ biến của các cổ đông tư nhân lớn trong những năm gần đây. Những hành động quản lý như vậy sẽ cần thời gian để tạo ra sự thay đổi và cần tránh làm suy giảm niềm tin của người gửi tiền tại các ngân hàng.

Ở một số khu vực, chẳng hạn phía Đông Bắc, chính phủ đã tìm cách tái cơ cấu một số ngân hàng do những quan ngại về sự tập trung cao của các khoản nợ.

S&P Global, cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới, cho biết gần 8% khoản tín dụng của các ngân hàng ở thành phố và nông thôn nổi tiếng nhất vùng Đông Bắc hiện ở trong trạng thái không hoạt động hoặc có tình trạng đáng ngờ vào năm 2020. Trong khi đó, con số này chỉ là 3% đối với các ngân hàng tương tự ở miền Đông Trung Quốc.

Đông Bắc là một trong những nơi có tỷ lệ sở hữu tư nhân cao nhất cả nước. Ví dụ ở tỉnh Liêu Ninh, 8 trong số 15 ngân hàng thương mại ở thành phố là do tư nhân kiểm soát. Điều này tạo ra một động lực để hợp nhất.

Sau sự sụp đổ của HNA, Yingkou Coastal Bank đã trở thành “hình mẫu” cho những nỗ lực sáp nhập các ngân hàng ở Liêu Ninh. Lúc đầu, các cơ quan quản lý đã cố gắng sáp nhập 12 ngân hàng của Liêu Ninh. Tuy nhiên sau đó, kế hoạch này đã giảm xuống chỉ còn hai ngân hàng, bao gồm cả Yingkou Coastal Bank.

Đối với những quy định mới, giải pháp gọn gàng nhất tiếp tục cho phép các ngân hàng thất bại và thoát khỏi thị trường. Kể từ khi Ngân hàng Phát triển Hainan sụp đổ vào năm 1998, các ngân hàng Trung Quốc dường như đã không được phép thất bại. Và đó là một vụ phá sản phức tạp vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng nông thôn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những thử nghiệm như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục