Định danh nhà đất theo người sử dụng: Hiểu thế nào cho đúng?

Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai định danh nhà đất theo người sử dụng sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn đồng thời thúc đẩy quá trình liên thông thủ tục hành chính các cấp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Liên quan đến đề xuất định danh nhà đất theo người sử dụng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Văn Sinh nhấn mạnh việc này sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn đồng thời thúc đẩy quá trình liên thông thủ tục hành chính các cấp.

Đây là hai mục tiêu lớn nhất của Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử ​phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.”

Tại sao phải làm định danh nhà đất?

Cụ thể, tại Dự thảo “Hướng dẫn thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tích hợp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư” đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất 100% nhà ở, đất ở tại đô thị sẽ được định danh địa chỉ, gắn số nhà; khoảng 80% nhà ở tại nông thôn được định danh địa chỉ theo thôn, xóm.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất 100% thông tin dữ liệu về đánh số nhà ở đô thị, điểm dân cư nông thôn được định danh và xác thực; kết nối liên thông dữ liệu về nhà ở với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết theo đề xuất trên, Bộ Xây dựng sẽ ban hành hướng dẫn về đánh số biển số nhà, dữ liệu về nhà ở, dữ liệu đất đai để tích hợp vào dữ liệu dân cư đồng thời ban hành một thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác định danh nhà đất,” ông Sinh nhấn mạnh.

"Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ để định danh nhà đất sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình liên thông thủ tục hành chính các cấp. Đây là hai mục tiêu lớn nhất của đề án 06.

Ngoài ra, theo ông Sinh, khi dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người dân sẽ không phải mang theo hồ sơ, chứng từ khi làm các thủ tục liên quan, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, việc định danh nhà đất sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2024 để tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư đang được các bộ, ngành xây dựng theo Đề án 06 của Chính phủ.

Quản lý chặt tài sản, phòng chống tham nhũng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc định danh nhà đất là giải pháp quan trọng, nhất là với các cơ quan quản lý tài sản (có thể nắm nắm được thông tin cả nước có bao nhiêu triệu căn nhà, đặc tính từng căn nhà, thuộc sở hữu của ai), cũng như góp phần kiểm soát chặt chẽ và phòng chống tham nhũng.

Cũng theo vị cán bộ trên, hiện việc định danh đã có số căn cước công dân và trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) đã ghi số căn cước nên việc tra thông tin dữ liệu rất dễ dàng.

Tuy nhiên tài sản của cá nhân thuộc quyền sở hữu của cá nhân, vì thế thông tin nhà đất của người sử dụng không thể công khai xã hội được; chỉ có cán bộ, công chức, những người buộc phải kê khai tài sản thì mới phải kê khai và danh sách cũng chỉ cung cấp cho những người được quyền khai thác.

so do 9.PNG
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng định danh nhà đất là động thái Bộ Xây dựng muốn quản lý tốt hơn thị trường nhà đất. Tuy vậy, ông Nghiêm cũng lưu ý đây là việc rất khó, cần phải cân nhắc.

Theo ông Nghiêm, sở hữu nhà và đất không chỉ có người đứng tên trên giấy tờ. Việc sở hữu còn tùy thuộc vào Luật Thừa kế và một số luật khác nên sẽ rất khó khăn trong thực hiện định danh nhà đất.

“Có khi một người được định danh nắm quyền sử dụng nhà đất trong một thời điểm nào đó nhưng quá trình phát triển xã hội có những thay đổi nên rất khó định danh lại,” ông Nghiêm chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng lưu ý tài sản nhà đất là tài sản đặc biệt, khác với các loại tài sản khác. Có rất nhiều quyền liên quan đến nhà đất như quyền sử dụng, thừa kế, cho, tặng, sang nhượng…

“Trong khi muốn biết cụ thể thửa đất của ai, diện tích, vị trí thế nào thì nhiều năm qua cơ quan quản lý đất đai đã làm rồi. Vì vậy không nên gây phiền hà thêm với người đứng tên sở hữu,” ông Nghiêm nêu quan điểm.

Quy trình thực hiện định danh nhà đất thế nào?

Trong Dự thảo “Hướng dẫn thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,” Bộ Xây dựng đề xuất các chỉ tiêu thông tin, dữ liệu về nhà ở cần thu thập để định danh nhà ở gồm: Loại hình nhà ở, diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, địa chỉ, số nhà được cấp.

Đối với đất ở, các thông tin, dữ liệu cần thu thập để định danh là số thửa đất, tờ bản đồ, diện tích đất, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong quá trình định danh nhà đất, dữ liệu về nhà ở, đất ở sau thu thập được tích hợp với họ và tên chủ nhà, chủ đất, số chứng minh nhân dân, số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh của chủ nhà, chủ đất, loại hình cư trú.

Công tác định danh nhà đất được Bộ Xây dựng giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp với Trung tâm thông tin Bộ Xây dựng phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện.

Dữ liệu định danh nhà đất lấy từ đâu?

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết dữ liệu định danh nhà đất được cung cấp từ ba nguồn chính là nguồn dữ liệu biển số nhà, địa chỉ nhà ở đã có sẵn, được các cấp chính quyền thực hiện xây dựng và quản lý từ nhiều năm.

Tiếp đó là dữ liệu được khởi tạo mới đối với những ngõ, hẻm, kiệt, ngách và nhà ở chưa được đánh số nhà, gắn biển số nhà hoặc xác thực vị trí; nhà ở đô thị sẽ được định danh vị trí theo số nhà, còn nhà ở nông thôn sẽ được định danh theo điểm dân cư nông thôn.

Cuối cùng là các nguồn dữ liệu khác có liên quan được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng phục vụ nhu cầu riêng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục