Đìu hiu buổi thi môn lịch sử, thí sinh vắng ngắt

Nhiều hội đồng thi chỉ có một phòng thi, phòng có dưới 10 thí sinh, thậm chí chỉ có một em duy nhất. Nhiều hội đồng thi được nghỉ sau khi kết thúc môn vật lý do không có thí sinh nào đăng ký thi sử.
Đìu hiu buổi thi môn lịch sử, thí sinh vắng ngắt ảnh 1Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Việt Đức. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
 

Khác với không khí trường thi ồn ào, đông đúc của buổi thi môn Ngữ văn sáng nay, số lượng thí sinh dự thi môn vật lý vào đầu giờ chiều đã giảm hẳn. Với môn lịch sử, số lượng thí sinh còn ít hơn nữa. Hầu như ở tất cả các hội đồng thi chỉ có một phòng thi, trong đó nhiều phòng chỉ có dưới 10 thí sinh, thậm chí chỉ có một thí sinh duy nhất. Nhiều hội đồng thi được nghỉ sau khi kết thúc môn vật lý do không có thí sinh nào đăng ký thi môn lịch sử.

Tại Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 11 thí sinh đăng ký dự thi môn sử, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông) chỉ có 7 thí sinh. Trường trung học phổ thông Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) có hai em dự thi. Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Hà Đông) có một thí sinh dự thi.

Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Cầu Giấy) thậm chí không có thí sinh nào đăng ký dự thi sử.

Không chỉ Hà Nội, đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Tại Ninh Bình, chỉ có 4,7% thí sinh chọn thi môn sử. Tại Hậu Giang, lịch sử cũng là một trong hai môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất... Tại Hưng Yên, có tới 15 hội đồng thi không có thí sinh dự thi môn lịch sử.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tổng số thí sinh dự thi môn lịch sử trên cả nước là 104.959 em trên tổng số 910.831 thí sinh dự thi, chiếm tỷ lệ 11,52%, thấp nhất trong tổng số 6 môn thi tự chọn.

Trước tình trạng số thí sinh dự thi quá ít, dẫn đến nhiều phòng thi chỉ có một vài em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các hội đồng thi gần nhau có thể ghép thí sinh để tránh lãng phí. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các hội đồng thi vẫn tổ chức phòng thi riêng cho thí sinh, dù chỉ có một em dự thi.

Theo đó, tất cả các bộ phận như hội đồng thi, giám thị, lực lượng bảo vệ, y tế...., tổng cộng khoảng 20 người, vẫn phải túc trực để tổ chức buổi thi dù chỉ một thí sinh dự thi.

Lý giải về việc không ghép hội đồng thi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Đông cho biết: “Nếu gửi thí sinh sang hội đồng thi bên cạnh thì chúng tôi nhàn hơn, nhưng học sinh sẽ chịu thiệt thòi. Riêng việc được thi ở ‘trường nhà’, tâm lý các em đã có sự thoải mái hơn, làm bài theo đó sẽ tốt hơn.”

Nhiều ý kiến cho rằng việc bố trí thi như trên dẫn đến sự lãng phí về nhân lực, thời gian, kinh phí. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

“Những năm trước thi tốt nghiệp tổ chức trong 3 ngày, năm nay rút xuống còn 2,5 ngày. Vì thế, dù thế nào thì kỳ thi năm nay không thể tốn kém hơn các năm trước,” ông Trinh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục