Đồ mỹ nghệ Vân Hà - sự kết hợp khéo léo giữa gỗ và khối óc người thợ

Mỗi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống làm ra đều đánh dấu sự phân công lao động hợp lý, kết hợp với đồ hoạ, kiến trúc tỉ mỉ của con người.
Đồ mỹ nghệ Vân Hà - sự kết hợp khéo léo giữa gỗ và khối óc người thợ ảnh 1Xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Dân Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) nổi tiếng khéo tay, có con mắt nghệ thuật cao. Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống là sự kết hợp khéo léo giữa chất liệu tự nhiên là gỗ với bàn tay khối óc của người thợ.

Mỗi sản phẩm làm ra đều đánh dấu sự phân công lao động hợp lý, kết hợp với đồ họa, kiến trúc tỉ mỉ của con người.

Công đoạn làm đồ gỗ gồm xử lý gỗ nguyên liệu, gỗ được chọn kỹ lưỡng, loại bỏ rác gỗ (đây là phần gỗ non, bên ngoài cây gỗ, rác này dễ mục và không đảm bảo chất lượng khi làm sản phẩm) sau đó, được luộc nhiều ngày để đảm bảo gỗ không bị cong vênh do thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam.

Đồ mỹ nghệ Vân Hà - sự kết hợp khéo léo giữa gỗ và khối óc người thợ ảnh 2Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ rất đa dạng và phong phú bao gồm tranh, tượng, bàn ghế, đồ trang trí… (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Pha gỗ là công đoạn hết sức phức tạp. Người thợ pha gỗ phải có kinh nghiệm, có óc tổng hợp, phân tích sản phẩm. Công đoạn này phân chia những cây gỗ lớn thành các thanh gỗ phù hợp với từng loại sản phẩm giống như người đầu bếp sơ chế nguyên liệu, đưa các loại gia vị vào món ăn. Đây là khâu quan trọng để tiết kiệm nguyên liệu đầu vào do gỗ nguyên liệu là gỗ quý có giá thành rất cao, nguyên liệu đầu vào chiếm một tỷ trọng lớn trong gía thành sản phẩm. Nếu không biết pha gỗ thì sản phẩm sẽ có chỗ thừa chỗ thiếu, sản phẩm làm ra sẽ rất xấu không đảm bảo chất lượng.

Những thanh gỗ sau khi được pha chế sẽ được những người thợ đục, thợ khảm sẽ đục và khảm lên những thanh gỗ đó những hoa văn hoạ tiết trang trí như Long, Ly, Quy, Phượng, tùng, cúc, trúc, mai, phúc lộc thọ... để tạo cho sản phẩm sau này có được những nét mềm mại, đẹp mắt.

Những thanh gỗ được đục mộng lắp ghép vào nhau, được bào kỹ làm cho thanh gỗ phẳng, mịn và bóng lên để dựng thành sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đánh giấy giáp hai lượt (một lần đánh giấy giáp ướt, một lần đánh giấy giáp khô. Song công đoạn này, sản phẩm cơ bản được hình thành, gọi là đồ môc.Về kích thước sản phẩm cao, rộng, dài là số lẻ, không được dùng số chẵn.

Đồ mỹ nghệ Vân Hà - sự kết hợp khéo léo giữa gỗ và khối óc người thợ ảnh 3Người dân xã Vân Hà vẫn luôn duy trì và phát triển nghề mộc theo thời gian. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Thông thường xã Vân Hà phân ra các làng chuyên như thôn Thiết Bình chuyên đi mua bán nguyên liệu gỗ từ Lào hoặc ở miền Trung, Tây Nguyên, làm sản phẩm là tủ, ghế... Thôn Thiết Úng chuyên làm tượng như tượng Quan Âm, di lạc... Hà Khê chuyên làm khung gương, ghế... Người già, trẻ em đánh giấy giáp, thanh niên đàn ông làm ngang, làm đục, phụ nữ đánh giấy giáp, gọt hàng (qua công đoạn đục thô thì gọt) hoàn thiện sản phẩm.

[Làng lụa Vạn Phúc trên hành trình khẳng định bản sắc riêng]

Làng nghề Vân Hà hiện đã được chuyên môn hóa các sản phẩm như ở Thiết Bình chủ yếu buôn bán và chế biến gỗ phục vụ các cơ sở sản xuất trong xã. Thôn Cổ Châu - Hà Khê chuyên sản xuất đồ gia dụng phục vụ đời sống như như giường, tủ, bàn ghế… đặc biệt ở Thiết Úng (làng Ống ) và Vân Điềm ( làng Đóm) vẫn giữ được nghề cổ truyền của cha ông đó là nghề chạm khắc mỹ nghệ và tạc tượng. Thiết Úng tự hào có những người con được phong danh hiệu nghệ nhân đó là cụ Đào Văn Bồi, cụ Đồng Thế Hiển, cụ Đồng Văn Ngọc, cụ Đồng Văn Huy, ông Đỗ Văn Mùi, ông Nguyễn Văn Lưu…

Đồ mỹ nghệ Vân Hà - sự kết hợp khéo léo giữa gỗ và khối óc người thợ ảnh 4Công đoạn hỗ trợ làm thô sản phẩm từ các thiết bị máy móc trong xưởng sản suất gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Ngày nay, ở Vân Hà cũng bắt đầu có nhiều hộ sản xuất đầu tư máy CNC khoảng 400-600 triệu để đục các chi tiết cho nhanh hơn. Vì thế, khi đi quanh khu vực làng nghề này ngoài những âm thanh đục tay thủ công, còn có thể nghe được âm thanh của những chiếc máy công nghiệp được sử dụng để giảm bớt chi phí lao động. Khi phần đục được hoàn thành sẽ được người thợ đem gọt nhẵn nhụi để ra đường hình nét rõ ràng của sản phẩm.

Để sản phẩm có thời gian sử dụng được lâu và không bị mối mọt, các xưởng sản xuất thường sử dụng nhân công là những người phụ nữ cao tuổi làm thêm với tiền công 200.000-300.000/ngày để đánh nhẵn bằng giấy ráp, đánh nước rồi lại đánh khô sản phẩm. Cuối cùng sẽ phủ dầu lót rồi đưa đến tay khách hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục